Quá trình phục dựng "Ngôi nhà của Vettii" kéo dài 20 năm, hé lộ những cột đá, đài phun nước và nhiều bích họa gợi cảm, Smithsonian hôm 10/1 đưa tin. Một trong các bích họa có hình thần Priapus tượng trưng cho sinh sản và tình dục. Hai cựu nô lệ là Aulus Vettius Restitutus và Aulus Vettius Conviva trở nên giàu có thông qua buôn bán rượu sau khi được tự do và xây ngôi nhà đồ sộ để ở, đồng thời làm nhà thổ.
"Ngôi nhà của Vetti lưu giữ lịch sử của Pompeii và xã hội La Mã. Chúng tôi nhìn thấy ở đây giai đoạn cuối cùng của tranh tường Pompeii với những chi tiết tỉ mỉ", Gabriel Zuchtriegel, giám đốc công viên khảo cổ Pompeii, cho biết.
Ngôi nhà được khai quật từ cuối năm 1894 đến đầu năm 1896, bao phủ diện tích hơn 3.352 m2 ở phía tây bắc Pompeii. Ở phòng khách mang tên Hall of Pentheus, một bức bích họa mô tả thần Hercules bóp chết hai con rắn khi còn là một đứa trẻ. Các nhà khảo cổ học đặt giả thuyết Aulus Vettius Conviva và Aulus Vettius Restitutus chọn hình ảnh này do so sánh cuộc đời của chính họ với nhân vật Hercules, người đã vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Những bồn đá cẩm thạch và bàn trang trí nằm xung quanh vườn và một đài phun nước nằm ở sân trong của ngôi nhà. Ngoài ra, ngôi nhà còn có một căn phòng gần bếp trang trí nhiều hình ảnh gợi cảm và nhiều phòng ngủ nhỏ dành cho gái điếm hành nghề. Nhóm khảo cổ còn tìm thấy chữ khắc bằng tiếng Latinh bên cạnh hình ảnh của thần Priapus. Ngôi nhà cũng có một nơi dùng để thờ cúng.
Cách đây hàng nghìn năm, Pompeii ở cách Naples 22,5 km về phía đông nam, rất đông đúc nhộn nhịp với 15.000 cư dân trước khi vụ phun trào núi lửa Vesuvius phá hủy cả thành phố vào ngày 24/8 năm 79. Vụ phun trào đã giết chết 16.000 người ở Pompeii và các thành phố xung quanh, trở thành một trong những vụ phun trào núi lửa có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử. Tro nóng, đá và khí độc tràn xuống sườn núi lửa ở tốc độ 200 km/h, chôn vùi nạn nhân và mọi vật dụng thường ngày.
An Khang (Theo Mail/Smithsonian)