-
15h00
Rơi mạnh cuối phiên
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn đảo chiều khiến VN-Index giảm mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch thỏa thuận. Chỉ số rớt gần 4 điểm xuống vùng 769 và đi ngang đến lúc đóng cửa. VN30-Index chốt phiên trong sắc đỏ với mức giảm 0,41 điểm, xuống vùng 715.
Đô rộng thị trường nghiêng về bên mua với hơn 200 mã tăng, 146 mã giảm. Trong rổ vốn hóa lớn, số lượng cổ phiếu tăng cũng gấp đôi cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu.
Thanh khoản thị trường đạt gần 4.200 tỷ đồng. Giá trị thỏa thuận đạt 889 tỷ đồng, trong đó phần lớn là giao dịch sang tay VCG của khối ngoại. Khối ngoại hôm nay bán ròng gần 500 tỷ đồng và nối dài mạch bán 22 phiên tiếp.
-
14h40
Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng giữ sắc xanh
VN-Index giằng co quanh vùng 771 điểm trong phần lớn thời gian của phiên chiều, dù bên mua nắm thế chủ động và có phần áp đảo trước lực bán chốt lời.
Nhóm dầu khí vẫn giữ được sắc xanh đồng thuận, trong đó POW là đầu tàu khi tăng gần 3% và khớp lệnh hơn 7 triệu cổ phiếu. Các mã trụ trong nhóm ngân hàng cũng giao dịch tích cực. CTG, BID, VCB, TCB góp mặt trong danh sách ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số chung, trong khi VPB đứng phía ngược lại. Các nhóm dệt may, hàng không, bất động sản... đang phân hóa mạnh.
-
14h30
Khối ngoại bán hơn 15 triệu cổ phiếu VCG
Khối ngoại bán ra hơn 750 tỷ đồng, trong khi giá trị mua vào chưa đến phân nửa. Ngoài những cổ phiếu có "truyền thống" bị bán mạnh như VNM, VCB, VRE thì nhà đầu tư nước ngoài hôm nay xả hàng quyết liệt ở VCG của Tổng công ty Viglacera. Cổ phiếu này đang bị bán hơn 15,3 triệu đơn vị, ước tính theo giá tham chiếu khoảng 265 tỷ đồng.
Đây là phiên bán ròng thứ 22 liên tiếp và chưa có dấu hiệu suy yếu. Chuỗi bán ròng lần này có thể vượt qua đợt xả hàng 33 phiên trước đó, nhất là trong bối cảnh chưa xuất hiện thông tin hỗ trợ và các dữ liệu kinh tế quý II sẽ phản ánh gần như toàn bộ tác động của dịch bệnh.
Các chuyên gia ước tính, khối ngoại đã chịu lỗ khoảng 29% khi bán trong thời gian qua. Tuy nhiên, đặc thù của dòng tiền từ quỹ là vào nhanh ra mạnh, phản ánh tức thì và rõ nét xu hướng của thị trường nên khả năng trở lại khi tình hình ấm lên cũng rất cao.
-
13h45
VN30-Index đảo chiều
Rổ vốn hóa lớn thoát khỏi tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" ngay đầu phiên chiều khi lực cầu dâng lên. 21 cổ phiếu trong nhóm này giao dịch trên tham chiếu, trong đó mạnh nhất là nhóm ngân hàng và VJC, POW với mức tăng trên 2%. VN30-Index đảo chiều sang sắc xanh, hiện giao dịch quanh vùng 719 điểm.
Đà hưng phấn của các mã vốn hóa lớn đang dẫn dắt thị trường đi lên. VN-Index sau giờ nghỉ trưa sát tham chiếu đã bật lên vùng 772 điểm, tăng 0,67% so với lúc mở cửa. Thanh khoản hiện đạt gần 3.000 tỷ đồng.
-
13h30
VHM và VIC tăng giảm trái chiều
Hai cổ phiếu họ Vingroup đang dẫn đầu danh sách ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường, nhưng ở chiều ngược nhau. Áp lực bán mạnh khiến VHM giảm 1,4% và lấy đi của VN-Index gần một điểm. Trong khi đó, VIC tăng 1,2% so với tham chiếu, lên 93.100 đồng và đóng góp cho chỉ số chung 0,7 điểm.
Một mã khó thuộc họ Vingroup là VRE cũng có tên trong danh sách 10 mã tích cực nhất. Cổ phiếu này tăng 1,5% nhưng thanh khoản chủ yếu đến từ việc khối ngoại xả hàng.
-
11h30
VN-Index chốt phiên sáng trên tham chiếu
Nhịp giao dịch giằng co được kéo dài đến trước giờ nghỉ trưa. Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 0,14% lên 768,26 điểm. VN30-Index giảm 0,27% xuống 713,78 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index dừng gần tham chiếu.
Đến cuối phiên sáng, trạng thái thị trường có phần cân bằng với sắc xanh giữ ưu thế. Sàn HoSE ghi nhận 162 mã tăng, 65 mã đứng tham chiếu và 149 mã giảm. Nhóm VN30 có 15 mã tăng, 4 mã đứng tham chiếu và 11 mã giảm.
Nhóm dầu khí tiếp tục giữ xu hướng tích cực với PVB đẩy lên mức giá trần, tăng gần 10%, OIL tăng 5,7%, PVD tăng 3,4%, PVC tăng 3%.
Trong nhóm bluechip, CTG đứng đầu với biên độ 2,6%, VJC tăng 1,9%, POW tăng 1,5%, VRE tăng 1,3%. Ở chiều ngược lại, VPB giảm 1,9%, VHM giảm 1,5%. Hầu hết các cổ phiếu còn lại đều biến động gần tham chiếu với biên độ khoảng 1%.
-
11h00
Giao dịch chững lại
Lực cầu tăng nhanh vào giữa phiên sáng giúp chỉ số có nhịp phục hồi ngắn. Tuy nhiên, khi dòng tiền giao dịch chững lại, lực cung trong nhóm VN30 chiếm ưu thế, thị trường lại quay về xu hướng giằng co. Đến 11h, VN-Index thu hẹp đà tăng còn 0,28%, trong khi VN30-Index lại lùi về dưới tham chiếu.
-
10h20
Khối ngoại tiếp tục bán ròng
Chuỗi phiên bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến giữa phiên sáng, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 2,5 triệu cổ phiếu trên HoSE nhưng bán ra gần 4 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng hơn 52 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 250 triệu cổ phiếu trên HoSE, với giá trị gần 5.700 tỷ đồng.
-
9h50
Nhóm dầu khí giữ sắc xanh
Trong khi thị trường chung giằng co mạnh gần tham chiếu, những cổ phiếu chính trong nhóm dầu khí giữ sắc xanh với biên độ cao. Đến 9h55, OIL tăng 5,7%, PVD tăng 3,1%, POW tăng 2,9%, PVB tăng 2,3%, PVS và BSR tăng gần 2%.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu này cùng chiều với diễn biến của giá dầu trên thị trường thế giới. Trong phiên sáng, "vàng đen" đã phục hồi trở lại sau phiên giảm mạnh đầu tuần. Giá dầu WTI tăng gần 13% lên 13,91 USD một thùng. Dầu Brent cũng tăng hơn 3% lên trên 21 USD.
-
9h30
Lực bán gia tăng trong nhóm bluechip
Hai chỉ số chính của sàn HoSE giao dịch trái chiều đầu phiên. Đến 9h40, VN-Index vượt nhẹ trên tham chiếu, tiền gần ngưỡng 770 điểm. Tuy nhiên, VN30-Index giảm 0,22% xuống 714.2 điểm.
Nhóm bluechip chịu áp lực bán mạnh với sắc đỏ chiếm ưu thế. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị kéo về dưới tham chiếu sau ATO. Trong khi đó, dòng tiền có xu hướng chuyển sang các nhóm cổ phiếu mid-cap và penny.