Trong tháng 11, giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài tại sàn TP HCM khoảng 3.220 tỷ đồng, trong khi chỉ bán ra là 1.834 tỷ đồng, tức mua nhiều hơn bán khoảng 1.388 tỷ đồng. Tuy vậy, chỉ riêng giao dịch của cổ phiếu VIC vào phiên cuối tháng đã chiếm trên 1.000 tỷ đồng. Nếu trừ con số này ra thì lượng giao dịch của tháng 11 cũng chỉ hơn 2.220 tỷ đồng, và giá trị mua nhiều hơn bán khi đó chỉ còn 338 tỷ đồng, không khác biệt là mấy so với các tháng trước.
![]() |
Giao dịch của khối ngoại tại sàn TP HCM. |
Vài ngày trước Tập đoàn Vingroup (VIC) đã công bố việc 2 tổ chức lớn chuyển nhượng cổ phiếu là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Nam và Công ty cổ phần phát triển đô thị Nam Hà Nội, với lượng chuyển nhượng lần lượt là 5,4 triệu và hơn 8 triệu cổ phiếu. Con số gần 14 triệu cổ phiếu được thỏa thuận, giá trị trên 1.000 tỷ đồng gần khớp với số lượng đăng ký của 2 tổ chức trên.
Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), chưa có nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Khẳng định này của ông Giang phù hợp với con số chỉ có 38 tài khoản của cá nhân và tổ chức nước ngoài đăng ký tại trung tâm lưu ký trong tháng 11. Và tại HSC, công ty có thị phần môi giới nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, không thấy có nhà đầu tư mới nào tham gia thị trường, ông Giang cho biết.
Sau khi trở về từ một số nước, gặp gỡ nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ông Giang cho rằng vẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng chỉ dừng ở mức độ thăm dò, chưa có nhà đầu tư nào muốn bỏ vốn trong giai đoạn này. Theo ông Giang, lòng tin của nhà đầu tư vào sự tiến triển của kinh tế Việt Nam đã bị lung lay nhiều kể từ sau thời điểm tháng 8, đến nay, vẫn chưa hồi phục.
Ông Giang cho rằng trong năm tới, với triển vọng kinh tế vẫn khó khăn khi chính phủ vẫn loay hoay với bài toán nợ xấu, lạm phát vẫn là một ẩn số khó lường, thị trường chứng khoán cũng mới bắt đầu giai đoạn cải tổ, cần nhiều thời gian để phục hồi, thì chưa mong nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn. “Trong thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua trái phiếu Việt Nam, tuy thế vẫn tập trung vào kỳ hạn ngắn khoảng 2-3 năm, do họ vẫn lo ngại lạm phát sẽ quay lại Việt Nam trong thời gian sau đó”, ông Giang nói.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục quan sát Việt Nam và chờ khi kinh tế xuống “đáy” sẽ bỏ tiền vào mua. Riêng ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm sẽ vẫn có những luồng tiền vào do thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Những cổ phiếu như VNM (Vinamilk) hay các công ty lương thực như bảo vệ thực vật An Giang… vẫn là đích ngắm của những tổ chức đầu tư.
Cùng ý kiến này, ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tài chính doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Bản Việt, cho biết số lượng thương vụ mà Bản Việt tư vấn mua bán sáp nhập trong năm nay khoảng trên 10 vụ, con số này cũng tương đương với năm ngoái. Theo ông Hoàn, những thương vụ trên đều nhắm vào ngành hàng tiêu dùng, còn các ngành khác ông không thấy có dấu hiệu gì đặc biệt.
Một chuyên gia chứng khoán khác thì cho rằng trong năm nay và năm sau rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài chịu sức ép đóng quỹ, lượng cổ phiếu họ bán ra sẽ không nhỏ, và nhiều quỹ khẳng định chưa tìm được vốn mới thì thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nên trông chờ quá nhiều vào khối nhà đầu tư này.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn