Sản phẩm dầu gội bồ kết thảo dược Boboon của chị Cẩm, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức vừa đạt Giải khuyến khích, cuộc thi Chung kết toàn quốc Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, ngày 12/10.
Đây cũng là thành quả của quá trình chị Cẩm cùng chồng - anh Trịnh Phương Nam khởi nghiệp với trái bồ kết, dược liệu truyền thống từng được đa số phụ nữ Việt Nam dùng để gội đầu khi xưa.
Cách đây hơn 5 năm, khi mang thai con đầu lòng, chị Cẩm từng stress, khủng hoảng vì bị rụng tóc rất nhiều do thay đổi nội tiết tố. Lúc đó, chị được mẹ và nhiều phụ nữ xung quanh khuyên mua bồ kết về gội để giảm rụng tóc và dị ứng. Tham khảo thông tin trên Internet, chị thấy cách làm này có cơ sở khoa học và đã có nhiều người làm theo có hiệu quả.
Dù cách gội đầu truyền thống không còn phổ biến, vẫn có một số phụ nữ, người già mua về nấu nước tắm, đốt xông phòng. Do đó, ở xã Đức Nhuận, Mộ Đức, quê chồng chị Cẩm có nhiều cụ bà trữ, bán bồ kết quanh năm. Chị trở thành khách hàng quen thuộc của họ, từ đó đúc kết được các công thức nấu dân gian, cách pha trộn với cây sả, trái chanh, gừng hay vỏ bưởi...
"Tôi thực sự bất ngờ khi thấy bồ kết như một loại 'tiên dược' khiến mái tóc mình xanh trở lại", chị Cẩm nói. Sau khi trải nghiệm hiệu quả của trái bồ kết, chị đã nói với chồng ý tưởng chiết xuất bồ kết cô đặc thành dầu gội đầu đóng chai bán thương phẩm.
Là cử nhân Quản trị kinh doanh, anh Nam cũng ấp ủ có một thương hiệu cho riêng mình, thay vì đi làm văn phòng. Tuy nhiên, bài toán kinh tế gia đình khiến anh giằng co suốt nhiều tháng, trước khi quyết định nghỉ việc để cùng vợ khởi nghiệp. "Lúc đó, phần nguyên liệu đầu vào đã tính xong vì có thể thu mua của bà con nông dân ở địa phương. Điều hai vợ chồng cần nghiên cứu là công thức, cách làm ra sản phẩm và thị trường tiêu thụ", anh Nam nói.
Để hiểu rõ về sản phẩm, vợ chồng chị Cẩm trồng một vườn cây hương liệu như sả, chanh, gừng, ổi... kết hợp các kiến thức hóa học từng học và bổ sung thêm kiến thức từ các khóa học chuyên sâu; đồng thời dành toàn bộ tiền tiết kiệm mua nhiều loại máy móc để thử nghiệm công thức.
Xưởng, kiêm kho nguyên liệu và "phòng thí nghiệm" ban đầu của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 50 m2 lợp tôn bên hông nhà. Tại đây, cặp đôi cùng rửa, rang, xay, nấu, tách cốt, lọc, cô đặc... để cho ra những mẻ dầu gội đầu bồ kết đầu tiên. Sau khi thất bại với rất nhiều mẻ dầu gội, công thức mới dần dần được hoàn thiện. Lúc này, họ đăng ký bản quyền và gửi nguyên liệu sau sơ chế cho một công ty gia công để sản xuất hàng loạt sản phẩm hữu cơ.
"Khách hàng ban đầu không nhiều, lại thấy hai vợ chồng lọ mọ vất vả nên gia đình và người thân đôi khi trách chúng tôi không chịu ngồi bàn giấy mà lại chọn quần quật lấm lem suốt ngày", chị Cẩm nói.
Tuy vậy, vợ chồng chị không nản chí mà tập trung làm việc và chờ thời gian để chứng minh con đường đã chọn là đúng. Họ nhận ra rất nhiều người thích bồ kết nhưng có nhiều rào cản khiến sản phẩm này chưa đến được với đại bộ phận người tiêu dùng.
Do đó, hai vợ chồng quay cảnh rửa, rang bồ kết rồi đăng lên mạng xã hội để chứng minh dầu gội được làm từ bồ kết thật chứ không phải là hương nhân tạo. Bao bì và nhãn mác cũng được thiết kế chuyên nghiệp, bắt mắt. Sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và đưa lên website, các sàn thương mại điện tử lớn. Ngoài ra, chị Cẩm cũng luôn nói rõ cho khách hàng biết dầu gội bồ kết rất ít bọt để họ chấp nhận và tập quen dần.
Khởi nghiệp chưa được một năm, đại dịch Covid-19 ập đến, TP HCM và nhiều nơi phong tỏa. Sau nhiều tháng ế dài vì sản phẩm chạy hàng kém, đến lúc bán được, vợ chồng chị lại không thể giao hàng cho khách, phải hoàn lại tiền. Chứng kiến hàng trăm đơn hàng được đóng gói chỉn chu nhưng phải hoàn trở về với trạng thái móp méo, chảy đổ khiến hai vợ chồng chán nản, có lúc muốn bỏ cuộc.
"Tuy nhiên, do đã quyết tâm khởi nghiệp, hai vợ chồng cố gắng gồng lỗ qua đại dịch rồi tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thị trường", chị Cẩm nói.
Đến nay, vợ chồng chị Cẩm đã tạo ra 20 loại sản phẩm dầu gội, xà bông làm từ bồ kết và các hương liệu, dược liệu truyền thống như vỏ bưởi, gừng... Từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu, cơ sở của vợ chồng chị hiện tiêu thụ hàng tấn bồ kết và thảo dược mỗi năm. Ngoài nguyên liệu ở địa phương, họ còn mua bồ kết từ các tỉnh phía bắc khi nguồn tại chỗ đáp ứng không đủ.
Hiện, vợ chồng chị ngoài quản lý tổng thể còn đảm nhiệm chuyên biệt khâu làm thương hiệu và thị trường. Các công đoạn chế biến, đóng chai và dán nhãn đã có nhân công thực hiện. Xưởng đã tạo công việc cho khoảng 5 lao động chính thức và nhiều lao động thời vụ.
"Nhiều người Việt ở nước ngoài về nước cũng đặt hàng gấp cho kịp chuyến bay để mang theo mùi hương thân thuộc của quê hương", chị Cẩm nói và cho biết sắp tới, vợ chồng chị sẽ mua giống cây bồ kết để tạo vườn nguyên liệu, nhằm chủ động trong sản xuất và đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn.
Phạm Linh