"Chúng tôi chỉ làm việc với anh". Nguyễn Khánh Trình nhận được câu trả lời qua điện thoại của một cán bộ thị trường khi anh đang công tác tại Bắc Giang dù trước khi đi, mọi công việc ở cửa hàng anh đã ủy quyền lại cho nhân viên.
Hơn 10 tháng tiếp nhận vị trí CEO một chuỗi cung cấp thực phẩm sạch tại Hà Nội, anh Trình có thêm nỗi ám ảnh về các chuyến làm việc của các đoàn kiểm tra liên ngành. "Trước và sau tết Âm lịch, trong khoảng 3 tháng chúng tôi tiếp đón khoảng 10 đoàn công tác của các cơ quan quản lý. Hiện công ty có một bộ phận chuyên chuẩn bị hồ sơ cho các cuộc kiểm tra", anh nói.
Nguyễn Khánh Trình không phải gương mặt xa lạ với cộng đồng startup khi anh là founder kiêm CEO một công ty quảng cáo trực tuyến khá thành công từ năm 2004. Năm 2016, anh lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp với dự án Trang trại Trung Thực theo mô hình tự cung tự cấp; sử dụng giun quế làm thức ăn chăn nuôi và bón cây trồng. Mong muốn của anh là thay đổi thói quen trồng trọt và tiêu dùng để mỗi người dân Việt Nam sẽ được sử dụng những thực phẩm sạch nhất có thể.
Là người ngoại đạo, qua nhiều khó khăn, lúc này anh và cộng sự từng bước hiện thực hóa chuỗi khép kín "từ trang trại đến bàn ăn" khi liên kết với hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch. Con số 20 cửa hàng ở 7 quận huyện tại Hà Nội và trang trại 10 hecta tại Sóc Sơn được xem là thành công bước đầu của dự án. Song, với anh Trình câu chuyện đưa thực phẩm an toàn đến được tận tay người tiêu dùng vẫn là hành trình gian nan bởi nhiều rào cản, trong đó có cơ chế quản lý.
"Có quá nhiều loại giấy phép cho một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, trong khi chính sách, luật lại thay đổi liên tục. Cửa hàng có giấy phép Vệ sinh an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp nhưng khi quản lý thị trường đến kiểm tra thì lại yêu cầu Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của Sở Công Thương", anh cho hay.
Cũng tâm huyết với ngành nông nghiệp và các chế phẩm sạch, đang làm kế toán công ty nước ngoài, Trần Thị Hường nghỉ việc để khởi nghiệp. Chị thuê đất, tự trồng chùm ngây, thu hoạch rồi đem bán tại các cửa hàng rau sạch, siêu thị và shop online. Được một thời gian, thấy không ổn, Hường chuyển sang kinh doanh các thành phẩm từ cây thuốc. Chị chọn dùng công nghệ sấy lạnh.
Để có thành phẩm chùm ngây khô, chị cần máy sấy nhưng có giá cả tỷ bạc. Chạy vạy khắp nơi vay mượn bạn bè và người thân vẫn không đủ. "Nghe nói ngân hàng có ưu đãi cho nông nghiệp, tôi cũng tính vay nhưng thủ tục rườm rà nên không dám đặt vấn đề, nhất là với dự án khởi nghiệp rủi ro cao", Hường chia sẻ.
Chị đến gặp các kỹ sư ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, trình bày ý tưởng và cuối cùng chị cũng lắp đặt hệ thống máy sấy lạnh made in Vietnam với giá cả chỉ bằng một phần ba giá nhập ngoại.
Sau khi có các sản phẩm sấy khô, cô chủ trẻ tuổi lại đối diện với bài toán tìm đầu ra. "Người Việt không tin tưởng chất lượng sản phẩm do
người Việt làm ra mà lại chuộng hàng ngoại. Đây là rào cản lớn nhất của
dự án khi tiếp cận khách hàng", chị nói.
Theo chị, hàm lượng dinh dưỡng được kiểm nghiệm rõ ràng. Trong khi người Nhật, Hàn sang Việt Nam mua sản phẩm thì người Việt lại tìm chọn sản phẩm nước ngoài với giá đắt gấp mấy lần. Hường trăn trở vì người tiêu dùng chưa thực sự tin ở hàng nông nghiệp Việt.
Chung suy nghĩ về khó khăn trong khởi nghiệp nông nghiệp, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết hiện là CEO của dự án nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại TP HCM. Hai năm trước, chị cũng từng hăm hở với dự án trà khổ qua. Cùng với 7 cộng sự hùn hạp khoảng 5 tỷ đồng để mua đất cho vùng nguyên liệu, xây nhà xưởng, tìm nhân công, lập đội marketing. Sau một thời gian, sản phẩm cũng ra được thị trường, thậm chí xuất khẩu, nhưng doanh thu không đủ bù chi phí. Tiếc nuối, chị vẫn phải ngậm ngùi bán dự án trả lại tiền cho cổ đông để tính hướng đi khác.
"Lỗ vì mình không đủ kinh nghiệm nên đầu tư ra nhiều mà dòng tiền thu về không đủ khấu hao và lãi ngân hàng. Cạn vốn nên không thể mua sắm thiết bị, cộng thêm số lượng nhân công nhiều nên mỗi tháng xoay tiền nhanh quá mình đuối, đành bán dự án cắt lỗ", chị Tuyết nhớ lại.
Tuy nhiên, với nữ CEO này, điều mệt mỏi nhất không phải là doanh thu thấp mà là sự "cô đơn" trong chặng đường khởi nghiệp. Gần như chỉ một mình lăn lộn. "Thời gian dài khó khăn chính mình cảm thấy cô đơn với cổ đông. Lâu dần như các cặp vợ chồng, không san sẻ được thì muốn ly hôn. Bán đi coi như chỉ lỗ công sức và tuổi thanh xuân, cứ cố nấn ná sẽ kiến mình stress", chị chia sẻ.
"Nông nghiệp ngốn tiền dữ lắm, không như nhìn ngoài vào đâu. Ai cũng nghĩ đầu tư nông nghiệp ít tiền thì chưa thấm thía", chị Tuyết rút bài học xương máu.
Lúc này, chị Tuyết hài lòng với dự án mới, dù vẫn thiếu tiền và đầu tư một số hạng mục vẫn sai sót. Nhưng theo chị, sau thất bại chị trưởng thành hơn về mặt tâm lý và quan trọng cổ đông và cộng sự tin tưởng nhau.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP HCM đánh giá, các dự án khởi nghiệp nông nghiệp thời gian qua tại Việt Nam khá sôi động là bởi cộng hưởng tinh thần startup chung.
Tuy nhiên, vị này cho biết, do đi theo hướng công nghệ cao, các dự án gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường bởi giá thành sản xuất tương đối cao, sản phẩm bị đánh đồng với hàng hóa thông thường. Khác với nhiều startup, lĩnh vực nông nghiệp rất cần quỹ đất lớn trong khi tại Việt Nam, cơ chế và quỹ đất công cho dự án khởi nghiệp gần như chưa có. Các founder và CEO gặp khó trong việc thuê hoặc mua đất. Chưa kể việc các dự án không dám tiếp cận các nguồn tín dụng không có tài sản thế chấp...
"Riêng tại TP HCM hiện có khoảng 50 dự án nông nghiệp tham gia các chương trình đổi mới sáng tạo, nhưng chỉ có 1/2 trong số này được xem là thành công khi sản phẩm có thể thương mại hóa, dự án đứng vững trên thị trường", ông An cho hay.
Hồi cuối năm ngoái, tại một hội thảo, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam chia sẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả đối với một quốc gia có phong trào khởi nghiệp nông nghiệp mạnh mẽ như Israel, tỷ lệ thất bại theo thống kê hiện vào khoảng 90%. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, khởi nghiệp nông nghiệp còn phải đối phó với nhiều mạo hiểm và rủi ro.
Thực tế, thời gian qua, Việt Nam ghi nhận có sự xuất hiện ngày nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, nông nghiệp không phải là lĩnh vực được các quỹ này nhắm tới. Đại diện một quỹ cho biết, họ quan tâm đến các dự án startup có hàm lượng sáng tạo hoặc công nghệ cao. Với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, khó đưa ra tiêu chí để đánh giá mức độ thành công.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp vai trò của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách để định hướng là rất quan trọng. Ngoài ra, là sự hỗ trợ từ các vườn ươm, tổ chức tín dụng trong hệ sinh thái để giúp các dự án duy trì và phát triển bền vững.
Trải qua nhiều khó khăn, nữ CEO trẻ của dự án chùm ngây, Trần Thị Hường cho biết đang đổi hướng tiếp cận đến nhóm người có học thức độ tuổi từ 22-35, thay vì rộng rãi khách hàng. Chị tin, với kiến thức đủ tốt, họ có những nhận xét giúp nhãn hàng của chị hoàn thiện sản phẩm hơn. Bên cạnh đó, họ cũng nhiều khả năng sẽ giới thiệu cho bạn bè người thân sử dụng.
Còn anh Trình vẫn tin tưởng về triển vọng nền nông nghiệp sạch với các thương hiệu Việt. Tham vọng của vị CEO 8X này sẽ mở rộng lên 200 cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM. Công ty nỗ lực chuẩn hóa quy trình sản xuất, công khai minh bạch nguồn gốc sản xuất đến từng người tiêu dùng. Xác định con đường vẫn còn nhiều trở ngại, song anh kỳ vọng về một tương lai tươi sáng cho nền nông nghiệp bền vững khi các cơ quan quản lý nên đơn giản hóa quy trình; bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thanh Thư