Bà Linh Phạm - CEO Logivan và ông Raghu Rai - CEO của Jio Health vừa có cuộc gặp gỡ trực tuyến và chia sẻ về khởi nghiệp với 13 startup trong khuôn khổ chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite vào đầu tháng 9 vừa qua. Trong sự kiện này, các startup có cơ hội tìm hiểu về cách xây mô hình sản phẩm phù hợp và quản trị nhân sự phát triển kinh doanh.
Biết "nỗi đau thị trường"
Ông Raghu Rai cho biết để Jio Health trở thành một mô hình chuyên cung cấp hệ sinh thái dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dùng ở Việt Nam như hiện nay, startup Jio Health phải trải qua một hành trình dài của "thử nghiệm và sai lầm".
Raghu Rai tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư y sinh và mong muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ nhưng không thành công. Năm 2015 ông đến Việt Nam và nhìn ra nhiều cơ hội khi chứng kiến các bệnh viện quá tải, bệnh nhân mất hàng tiếng đồng hồ xếp hàng để gặp bác sĩ trong vài phút. Tuy nhiên, nhìn ra "nỗi đau thị trường", hiểu nhu cầu người dùng không đồng nghĩa với việc dễ dàng xây dựng một mô hình sản phẩm phù hợp. Lúc đầu, Jio Health hướng đến mô hình thuần công nghệ, chẳng hạn làm các phần mềm cho các phòng khám số hóa hoạt động của họ nhưng không thành công.
"Công nghệ không phải điều cốt lõi để giải quyết vấn đề ở lĩnh vực này, bệnh nhân không chỉ muốn một giải pháp công nghệ mà muốn nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe", ông Raghu Rai nói.
Chia sẻ với các startup của Grab Ventures Ignite, CEO Jio Health đánh giá đối với lĩnh vực này, các dịch vụ như giải pháp chuẩn đoán từ xa (telemedicine) rất khó được đón nhận. Tâm lý người dùng Việt mong muốn dịch vụ hữu hình, cần sự kết nối với bác sĩ. Vì vậy sau nhiều thử nghiệm, năm 2018 Jio Health ra mắt dịch vụ khám sức khỏe tại nhà, kết nối bệnh nhân với bác sĩ.
Phân tích thị trường và định vị sản phẩm của doanh nhân người Mỹ đã nhận nhiều chú ý từ các startup của chương trình Grab Ventures Ignite. Trả lời câu hỏi của starup Medici về có nên phát triển ứng dụng di động khi đã sở hữu phòng khám trực tiếp, nhà sáng lập Jio Health khẳng định phòng khám tạo sự an tâm cho khách hàng còn ứng dụng sẽ tạo cầu nối cho người bệnhtiếp cận thông tin nhanh chóng.
Về vấn đề khác biệt giữa hai thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam và Mỹ, ông Raghu Rai cho rằng dù ở đâu thì vẫn phải đặt nhu cầu người dùng lên hàng đầu. Thị trường Việt Nam phù hợp để startup này hướng đến người tiêu dùng chứ không phải hình thức B2B, thuận lợi hơn vì dân số trẻ và người dân tự chi tiền túi cho y tế chứ không phải qua công ty bảo hiểm như ở Mỹ.
Bán tầm nhìn doanh nghiệp mỗi ngày
Khác với hành trình khởi nghiệp của CEO Jio Health, khi hiểu "nỗi đau thị trường", bà Linh Phạm - CEO của Logivan nhanh chóng xây dựng mô hình sản phẩm phù hợp. Theo đó, khi du học Anh trở về và giúp quản lý kinh doanh riêng cho gia đình, nữ doanh nhân này nhìn ra thực tế 90% công ty vận tải có dưới 10 xe tải và đến 70% xe trống (không chở hàng hóa) ở chặng về. Từ đó, bà Linh xây dựng mô hình kinh doanh để giúp các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa kết nối với các chủ xe tải qua một ứng dụng.
Lúc đầu, công ty chỉ phục vụ những khách hàng ngắn hạn sau đó mở rộng ra kết hợp với những công ty lớn hơn tại Việt Nam. CEO Linh Phạm cho rằng công nghệ có vai trò lớn trong ngành vận tải và là thế mạnh cạnh tranh của Logivan.
Khi xây dựng Logivan, một trong những thử thách lớn nhất là phát triển đội ngũ nhân sự, gặp nhiều trở ngại do thiếu mối quan hệ và không thể tìm kiếm được các cộng sự cao cấp muốn gắn bó lâu dài. Theo bà Linh Phạm để phát triển nhân sự người, mỗi ngày người điều hành phải "bán tầm nhìn" (sell the vision), tức chia sẻ về tầm quan trọng của giải pháp công ty đang cung cấp.
"Chúng tôi bán thuốc giảm đau, chứ không phải là vitamin cho ngành vận tải, bằng cách cung cấp giải pháp thật sự có giá trị", CEO Logivan nói.
Trước những lo lắng của startup đặt ra về ảnh hưởng của Covid-19 đến Logivan, nữ doanh nhân này nhìn nhận công ty chịu ảnh hưởng kinh doanh do giao thương với nước ngoài gián đoạn ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Logivan có thể vượt qua nếu tận dụng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao ở các ngành tiêu dùng nhanh, y tế.
Trả lời câu hỏi về gọi vốn của một startup, bà Linh Phạm khuyên không dùng quá 30% thời gian ở một thời điểm cho việc gọi vốn, chỉ gọi vốn tối đa hai vòng trong một năm. Đồng thời, các startup nên kêu gọi nguồn lực bên ngoài khi nhận thấy công ty cần một lực đẩy để tăng trưởng.
Thanh Thảo