Khi chúng ta cho đồ bẩn vào máy giặt và bấm nút, máy sẽ bắt đầu quá trình giặt, xả, vắt. Quần áo sau khi vắt sẽ nặng hơn trước khi giặt và nhẹ hơn lúc ướt.
Một máy giặt được đánh dấu 9 kg, tức lượng quần áo giặt xong chỉ nên nặng tối đa 9 kg.
Vậy khối lượng này ảnh hưởng gì tới quá trình giặt?
Đầu tiên nó ảnh hưởng đến lượng quần áo có thể giặt trong một lần. Thông thường, máy giặt có thể làm sạch bao nhiêu quần áo cùng lúc được xác định bởi hai yếu tố. Thứ nhất là dung tích máy giặt, tức lượng quần áo có thể nhét vừa lồng giặt. Thứ hai là dựa trên khối lượng được đánh dấu trên máy, đây chính là độ bền của động cơ.
Nếu lượng quần áo quá nhiều, tốc độ của động cơ giảm xuống, hiệu quả làm sạch bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến động cơ dừng quay, thậm chí bị cháy.
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng máy giặt
Đầu tiên cho quần áo bẩn vào máy, đổ lượng bột/nước giặt phù hợp với số lượng quần áo vào khay chứa. Sau đó, đóng nắp lại. Lúc này, máy giặt sẽ đảo hai chiều để cân lượng quần áo trong lồng, nhằm tính lượng nước cho phù hợp.
Nếu quần áo đã ngâm, hãy tắt chức năng "tự động cân" của máy, bởi quần áo ướt nặng sẽ khiến máy tăng mức nước. Lượng nước nhiều không chỉ gây lãng phí, còn giảm ma sát, ảnh hưởng đến hiệu quả làm sạch.
Ngoài ra, mọi người cũng nên chú ý không nên cho quá nhiều hoặc quá ít quần áo. Thông thường, chỉ nên cho quần áo chiếm tối đa 80% thể tích lồng giặt.
Máy giặt có mức nước tối thiểu, nếu cho quá ít quần áo, mực nước trong máy tương đối cao, quần áo không được ma sát với nhau, hiệu quả làm sạch bị giảm. Vì thế quần áo cho vào lồng giặt không được ít hơn 20% thể tích lồng.
Khi mua máy giặt, bạn nên chọn loại có khối lượng từ 7 đến 8 kg. Đây là sự lựa chọn tương đối tiết kiệm chi phí, có thể đáp ứng nhu cầu giặt sạch quần áo hàng ngày, không gây lãng phí quá nhiều.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)