Nuôi con đã khó, dạy con còn khó hơn nhiều, tôi luôn học hỏi tìm hiểu từ bạn bè, sách báo, Internet… Vì thế, tôi thấy đôi lúc, chúng ta vừa dạy con, vừa “được” học lại từ con. Tôi muốn chia sẻ một vài mẹo nhỏ khi chơi và dạy con để các mẹ cùng tham khảo.
“Ú òa” là một trò chơi rất phổ biến mà các bé còn chưa đầy một tuổi hay chơi. Khi chơi với Ben (13 tháng), tôi thường “ú òa” bé về bên trái để cho bé quen với trò chơi. Sau đó, tôi đổi qua bên phải, lúc đầu bé cứ ngơ ngác tìm kiếm bên trái coi mẹ ở đâu nhưng lần thứ hai, sau khi biết là mẹ có thể xuất hiện ở phía khác, bé sẽ tập trung để ý quan sát hai bên. Cứ dần vậy khi bé quen, tôi lại tiếp tục với phía trên và dưới. Một thời gian sau, mỗi khi tôi chơi trò đó với bé, bé có phản xạ quan sát nhiều bên xem mẹ mình “ú òa” ở đâu. Với cách này, dần dần chúng ta sẽ giúp bé hiểu được là có rất nhiều khả năng xảy ra cho một sự việc để bé có thể đón nhận từ bên ngoài cũng như khi bé thực hiện một việc gì.
Những trò chơi khác cũng thế, tôi gợi cho bé suy nghĩ và chơi theo nhiều cách khác nhau. Tôi thường hỏi bé: “Có cách nào khác không con?”. Dần dần hình thành cách tư duy cho bé rằng không phải chỉ có một cách duy nhất để “thưởng thức” đồ chơi. Mỗi lần cầm một món đồ chơi lên là bé quan sát, tưởng tượng ra mình có thể chơi bằng cách nào khác không. Đó là cách tôi đã dạy và thấy hiệu quả khá rõ nét từ bé Bokeh (4 tuổi).
Với cái chụp đèn bằng nhôm bị hư, Bokeh có thể biến chúng thành nón đội, thành cái chụp bắt cá hoặc thành cái loa phát thanh mà bé thấy trên cột điện gần trường bé học. Với chiếc chong chóng xoay, con có thể chế tạo thành một chiếc quạt; còn những chiếc ống hút, con có thể xếp thành cái biểu đồ trong phim "The Monster Inc". Hoặc với cái xe lắc, ngoài cách chạy thông thường, bé lật ngược xe lắc lại và lái như một chiếc phi thuyền với phụ kiện là chiếc headphone hoặc cái điện thoại theo sự tưởng tượng của bé.
Tôi thường bất ngờ trước những “tác phẩm” của con, không biết là con quan sát từ lúc nào và làm sao có thể tưởng tượng ra được điều đó. Thế là bé có cơ hội “thuyết trình” ý tưởng của mình. Bé cảm thấy tự hào và có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo.
Với trẻ nhỏ, tôi không phán xét là cái đó đúng hay sai, cứ để bé mặc sức tưởng tượng và sáng tạo. Có thể, trong quá trình “sáng tạo” của bé, bé sẽ làm hỏng một số đồ chơi. Tôi nghĩ, trong mức độ nào đó, chúng ta có thể cho phép con để con tăng thêm sức sáng tạo thay vì la mắng bé. Chúng ta có thể giải thích với bé khi có những trò chơi mà không an toàn cho bé. Đó là một vài ví dụ mình muốn chi sẻ với các mẹ hy vọng giúp gì được cho các mẹ khác từ kinh nghiệm của bản thân.
Bạn tự hào về con của mình, bạn muốn chia sẻ bí quyết nuôi dạy con hay và nhận được quà thông minh cho con, hãy tham gia góc chia sẻ "Bí quyết giúp con thông minh" tại đây hoặc gửi mail về media@vnexpress.net. Những bài viết được đăng sẽ nhận được phần quà thú vị là đèn chiếu sáng tạo và sản phẩm Enfagrow A+. Những bài viết được điểm quan tâm nhiều nhất của bạn đọc trong tuần sẽ nhận được quà tặng dinh dưỡng thông minh, đặc biệt là hai hộp sản phẩm Enfagrow A+ loại 900gr theo lứa tuổi của bé. |
Phạm Lan Anh