Nhóm nhà khoa học tại Đại học Bang Colorado sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải cao và trí tuệ nhân tạo (AI) để lập bản đồ khối gỗ chết (logjam) lớn nhất thế giới ở vùng đồng bằng sông Mackenzie tại Nunavut, vùng lãnh thổ lớn nhất và xa nhất về phía bắc của Canada, IFL Science hôm 14/4 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Khối gỗ này rộng tới 51 km2, gồm vô số cây đổ và gỗ cổ đại tích tụ trên sông. Các nhà khoa học tin rằng có thể tác động của nó đến chu trình carbon của Trái Đất lớn hơn nhiều so với những gì họ từng nghĩ. Toàn bộ khối gỗ chết rộng gần bằng Manhattan, có thể chia thành 400.000 ô nhỏ, ô lớn nhất rộng tương đương 20 sân bóng bầu dục.
Cây cối đóng vai trò như một bể chứa carbon cho Trái Đất, hút CO2 từ khí quyển và lưu trữ trong gỗ. Như vậy, chúng ảnh hưởng đáng kể đến lượng khí nhà kính trong khí quyển và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, các khối gỗ chết thường bị xem nhẹ khi đánh giá tác động của chúng đến môi trường rộng lớn hơn.
"Cần nghiên cứu những khối gỗ chết như vậy, không chỉ cho chu kỳ carbon, mà còn để chúng ta hiểu cách thức hoạt động của các hệ thống sông tự nhiên, cách sông vận chuyển và phân phối gỗ", Virginia Ruiz-Villanueva, nhà địa mạo học tại Đại học Lausanne, cho biết.
Nghiên cứu mới ước tính, khối gỗ chết ở đồng bằng sông Mackenzie lưu trữ khoảng 3,1 triệu tấn carbon - một khối lượng lớn kể cả xét trên quy mô toàn cầu. "Con số đó tương đương lượng khí thải của khoảng 2,5 triệu ôtô trong một năm", kỹ sư Alicia Sendrowski tại Đại học Bang Colorado, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, giải thích.
Nghiên cứu mới chỉ đo được bề mặt khối gỗ chết nên chưa thể tính toán phần gỗ ẩn bên dưới, nghĩa là quy mô thực sự của kho chứa carbon này có thể còn lớn hơn. Gỗ chất đống ở đây vì nhiều lý do.
Đầu tiên, vật thể trôi dạt ở Bắc Cực thường được vận chuyển qua các khu vực rộng lớn do các khu rừng phương bắc lớn và mạng lưới sông có vĩ độ cao. Ngoài ra, đồng bằng sông Mackenzie cũng rất rộng, cho phép gỗ chết tích tụ lại. Cuối cùng, điều kiện lạnh và khô của Bắc Cực khiến gỗ có thể duy trì ở tình trạng gần như hoàn hảo trong hàng chục nghìn năm. Nhóm nghiên cứu cho biết, một số cây trong khối gỗ chết trông như mới bị đổ vào mùa đông năm ngoái, nhưng thực chất đã tồn tại hàng thập kỷ hoặc hàng thế kỷ.
Thu Thảo (Theo IFL Science)