Chiều 18/11, chị Phương Thảo, 34 tuổi, đang thong dong đi bộ, hít thở không khí trong lành ven hồ An Biên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng thì bị luồng khói khét xộc thẳng vào mũi, ho sặc sụa. Cách đó gần 100 m, bãi rác tạm ven đường Lê Quang Đạo đang cháy âm ỉ, khói đen theo gió tỏa đi khắp nơi.
Từ hai tuần nay, cứ chiều tối là bãi rác tạm này lại bị đốt. Ban đầu lửa lớn, sau đó âm ỉ kéo dài, tỏa mùi khét lẹt. "Không biết ai đốt mà ác quá, đúng tầm người dân về nhà hoặc ra hồ tập thể dục", chị Thảo nói.
Khoảng một tháng trước, hàng chục công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng phải làm việc hơn một ngày để dập lửa và thu dọn toàn bộ rác bị đốt trộm ở bãi đất trống ven hồ Phương Lưu, quận Hải An. "Cứ chập tối hoặc đêm lại có người chở rác đến đổ trộm. Toàn cao su, đồ nhựa, thậm chí cả rác thải công nghiệp, làm sao chịu nổi. Chỗ này thường xuyên bị, diễn ra vài năm rồi", chị Cao Thúy, ở gần hồ Phương Lưu, nói.
Việc đốt trộm rác gây ô nhiễm đang dần trở thành vấn đề liên tỉnh. Đầu tháng 11, hàng nghìn hộ dân xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng bị khói từ đám cháy bãi rác của phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tấn công.
Khói kèm theo mùi khét bay lập lờ trên sông như sương mù, bay qua khu vực bãi bồi trồng màu, lan vào khu dân cư cách xa bãi rác cả cây số. Theo người dân ở huyện An Dương, cứ đến khi gió mùa đông bắc tràn về là họ phải chịu cảnh này. "Bãi rác bên kia sông, chúng tôi chỉ biết nhìn và phản ánh với xã để liên hệ bên kia xử lý. Rác cháy hơn một tuần", anh Phạm Đức, ở xã Đại Bản, nói.
Nhận được tin báo của xã Đại Bản, ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch phường Hiến Thành, cho biết phường đã thuê ba máy bơm nước vào bãi rác suốt bốn ngày dập lửa. "Rất khó ngăn đốt rác. Có thể là những người nhặt ve chai đốt dây điện lấy đồng hoặc trẻ con nghịch ngợm, chứ xã không chủ trương đốt", ông Dung nói.
Tương tự, hàng nghìn hộ dân sống tại một khu đô thị ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên suốt hai tháng qua phải chịu đựng khói đốt rác từ khu dân cư lân cận. Sống trên tầng 30 của tòa chung cư trong khu đô thị, gia đình bà Phạm Thị Mùi, 80 tuổi, phải suốt ngày đóng kín tất cả cửa. Kể từ chuyển đến căn hộ hơn một năm trước, đây là lần đầu tiên bà Mùi phải chịu đựng cảnh này.
"Cứ mỗi khi mở cửa, mùi khét lại xộc thẳng vào mũi rất tức thở. Ban ngày, mùi khét đỡ hơn, song từ khoảng 20h tới sáng sớm hôm sau không khí đặc quánh mùi khét. Gió chiều nào, mùi khét theo chiều đó len lỏi vào trong nhà", bà Mùi kể.
Khu đô thị ở Văn Giang được trồng rất nhiều cây xanh. Nhiều người chuyển đến sinh sống vì muốn được hưởng bầu không khí trong lành. Song giờ đây cứ ra khỏi nhà, họ phải đeo khẩu trang ngăn khói rác. Nhiều người vì thế cũng hạn chế tập thể dục ngoài trời.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, đại diện Ban quản trị chung cư, cho biết mùi khói khét xuất phát từ bãi tập kết rác thải sinh hoạt của hai xã Xuân Quan và Phụng Công nằm cách khu đô thị khoảng 700 m. Đây là bãi rác lộ thiên, rộng cả nghìn mét, hàng ngày được xử lý bằng cách đốt khiến khói bay về khu đô thị.
Ban quản trị chung cư từng liên lạc với chính quyền xã Phụng Công để tìm hiểu vấn đề, nhưng chỉ nhận giải thích "sau đợt mưa bão Yagi, lượng rác thải được người dân gom lại nhiều hơn bình thường, sau đó đốt".
Phía công ty quản lý khu đô thị từ tháng 9 đã có đơn kiến nghị gửi UBND huyện Văn Giang và hai xã Xuân Quan và Phụng Công về việc đốt rác ảnh hưởng tới môi trường. UBND huyện Văn Giang cuối tháng 10 đã yêu cầu xã khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại điểm tập kết rác thải.
Tuy nhiên, tình trạng đến nay không được cải thiện. Hàng nghìn người dân đang lên kế hoạch ký đơn kiến nghị gửi chính quyền. Một số khác cho hay đang có ý định thành lập ra các nhóm đi dập lửa nếu xảy ra đốt rác.
Nói về giải pháp sắp tới, ông Lê Xuân Tuyến, Phó chủ tịch xã Xuân Quan, cho hay chính quyền đã có kế hoạch tăng cường trông nom, quản lý bãi rác nhằm tránh việc người dân vô tình đốt. Tương lai gần, Xuân Quan cũng sẽ bố trí bãi rác ở khu vực khác rộng hơn.
Tuy nhiên, thời gian cụ thể di dời bãi rác chưa được đề cập.
Lê Tân - Phạm Chiểu