Ngày 28/8, Chương trình Động thực vật hoang dã châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) khởi động giai đoạn ba của sáng kiến giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Sáng kiến mang tên “Chí” hay “Sức tại Chí” dựa trên các nghiên cứu nhằm truyền thông giúp thay đổi hành vi của nhóm người sử dụng sừng tê giác.
Ông Craig Hart, quyền Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Mỹ cam kết tiếp tục hợp tác với các quốc gia nhằm chống lại tội phạm động vật hoang dã và chấm dứt tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp từ động vật hoang dã.
Thực tế nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại châu Phi khiến nhiều phân loài tê giác đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Việt Nam đã ban hành Bộ Luật Hình sự mới với quy định tăng nặng mức phạt đối với các hành vi sở hữu, buôn bán động vật hoang dã và sản phẩm từ chúng. Tuy nhiên, Việt Nam được xem là thị trường nóng trong việc trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác.
Ngoài các hoạt động nhằm giảm nhu cầu sử dụng, Chương trình Động vật hoang dã châu Á còn hợp tác khu vực nhằm giảm tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Chương trình tập trung vào 4 loài gồm: voi, tê giác, hổ và tê tê.
Phương Nguyên