Dịp khai giảng năm học mới, các sân chơi trí tuệ trực tuyến như Violympic và VioEdu khởi động và cập nhật thêm nhiều tính năng mới, thu hút sự quan tâm phụ huynh, học sinh.
Sân chơi Violympic thêm nội dung mới
Triển khai từ năm 2008, Violympic là sân chơi trí tuệ trực tuyến với hơn 40 triệu học sinh tham gia trong suốt 17 năm qua. Ngày 5/9, Violympic khởi động vòng thi sơ loại đầu tiên của năm học 2024-2025 với gần 100.000 lượt tham gia.
Violympic năm nay gồm tối đa 10 vòng thi, chia làm ba chặng, bổ sung thêm kiến thức mới. Đồng thời, sân chơi năm nay có nhiều thay đổi về tiêu chí xét chọn học sinh, cơ cấu giải thưởng và công tác tổ chức giám sát thi.
Học sinh phổ thông toàn quốc từ lớp 1-12 có thể đăng ký tham gia Violympic tại các nội dung: Toán tiếng Anh, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lí. Trong đó, địa lí là kiến thức mới được bổ sung để tạo thành tổ hợp môn thi lịch sử và địa lí theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tham gia Violympic, học sinh lần lượt chinh phục ba chặng thi gồm: vòng sơ loại, vòng các cấp và vòng Quốc gia. Chặng Sơ loại có 6 thử thách, mỗi thử thách 30 câu hỏi dưới hình thức trò chơi (game thi). Học sinh cần đạt tối thiểu 200 điểm để vượt qua mỗi thử thách Sơ loại và hoàn thành toàn bộ thử thách để đạt điều kiện dự thi các cấp.
Để tăng tính minh bạch và chất lượng thí sinh, ban tổ chức siết chặt hơn công tác tổ chức, giám sát thi với các điểm thi tập trung. Quy định và điều kiện tham gia từng vòng cũng được thiết lập lại. Giải thưởng vòng Quốc gia xét theo tỷ lệ học sinh tham gia. Tổng trị giá giải thưởng lên đến một tỷ đồng.
Đặc biệt, Violympic bổ sung nhiều tính năng giúp học sinh có thêm không gian rèn luyện, vận dụng kiến thức xuyên suốt năm học. Các hạn mục bổ sung bao gồm: Tính năng thi không giới hạn với 6 vòng tự do; game luyện tập mới; tính năng thi thử đối với vòng các cấp...
Với những thay đổi tích cực trong công tác tổ chức, sân chơi Violympic 2024-2025 nhận được công văn hưởng ứng tham gia từ nhiều Sở GD&ĐT trên cả nước, như Kiên Giang, Ninh Bình, Bến Tre, Đắk Nông...
Khởi động 'Đấu trường' VioEdu
Tính đến 16/9, đã có gần 40 Sở Gíao dục và Đào tạo ban hành công văn phối hợp cùng VioEdu triển khai sân chơi Đấu trường tới học sinh trên địa bàn.
Trong đó có những địa phương đã đồng hành nhiều năm liên tiếp như: TP HCM, Hưng Yên, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai... và nhiều địa phương mới như Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, Kon Tum...
Cùng với Violympic, đấu trường VioEdu thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh. Cấu trúc đề thi của VioEdu bao gồm 30 câu hỏi trong thời gian 20 phút. Đối với vòng Sơ loại, mỗi vòng, hệ thống sẽ mở trong một tuần, từ thứ 2 đến Chủ nhật. Học sinh có thể tham gia bất kỳ thời điểm nào trong thời gian diễn ra vòng thi và chỉ được dự thi một lần theo đúng khối lớp. Vòng các cấp được tổ chức dưới sự giám sát của nhà trường và Ban tổ chức.
Đấu trường VioEdu thử tài kiến thức tổng hợp của học sinh tại các môn Toán, tiếng Việt, Toán tiếng Anh và mới bổ sung thêm nội dung tiếng Anh. Bên cạnh cơ hội củng cố kiến thức toàn diện, học sinh có môi trường để rèn luyện các kỹ năng Tin học, tăng cường tư duy và phản xạ.
Khởi động từ năm 2020, mỗi năm, đấu trường VioEdu thu hút hơn 3.5 triệu học sinh tại các địa phương tham gia, trở thành "điểm hẹn" giao lưu kiến thức bổ ích của các công dân thời 4.0.
Trong 17 năm qua, Violympic và Đấu trường VioEdu đã giúp hàng chục triệu học sinh Việt Nam có cơ hội thay đổi thói quen, phương pháp học, ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện năng lực. Sân chơi diễn ra theo hình thức trực tuyến, với kho học liệu đồ sộ bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được bổ sung, làm mới mỗi năm.
Công nghệ 4.0 như AI, Big Data và Gamification cập nhật liên tục, giúp học sinh được phát hiện điểm mạnh, điểm yếu kiến thức, học tập trung và hiệu quả hơn với lộ trình cá nhân hóa.
Theo đại diện đơn vị tổ chức, hình thức tích lũy kiến thức qua các game tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội cạnh tranh, cọ xát, giúp tăng hào hứng, chủ động học tập. Bên cạnh đó, học sinh và các giáo viên, nhà trường có cơ hội nâng cao năng lực tiếp cận số, củng cố các kỹ năng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học.
Thái Anh