![]() |
Hồ Gươm đang bị ô nhiễm. |
GS Peter Wener từng có nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam cải tạo môi trường nước. Ông từng sang Việt Nam 20 lần và sáng sớm nào cũng đi dạo 5 vòng quanh Hồ Gươm.
Năm 2005, cùng với việc được Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hoà Liên bang Đức thông qua, GS Wener đã chính thức cho ra đời dự án nghiên cứu xử lý các vấn đề của Hồ Gươm.
Đây là một dự án khá hoàn chỉnh từ việc nghiên cứu địa chất, sinh học, vi sinh vật, đến quy trình cải tạo mà trong đó, lần đầu tiên, một phương pháp nạo vét bùn tiên tiến của Đức sẽ được áp dụng tại Việt Nam.
Dự án này được xếp vào một trong 12 dự án quan trọng nhất, được ưu tiên trong chương trình hợp tác nghiên cứu giữa 2 nước. Mục tiêu của dự án là giảm có tính toán lớp bùn, tăng thể tích nước trong hồ, cải thiện môi trường nước mà vẫn giữ được màu xanh đặc trưng, đánh giá tổng thể hệ sinh thái và có các giải pháp quan trắc và quản lý bền vững hồ, bảo vệ an toàn "cụ" Rùa và hệ sinh thái đặc biệt của Hồ.
Vốn là một nhánh của sông Hồng, trải qua thời gian, những mạch ngầm liên kết giữa Hồ Gươm với sông Hồng bị lấp hết, lại thêm lớp trầm tích dày cả mét dưới đáy hồ cản trở việc lưu thông giữa nước mặt và nước ngầm khiến Hồ Gươm trở thành ao tù.
Theo GS Hà Đình Đức, nồng độ kim loại nặng, phốt pho, nitơ trong nước Hồ Gươm cao hơn mức cho phép nhiều lần. Mực nước trung bình của Hồ Gươm nay chỉ còn 1m, có nơi chỉ 40cm - 50cm. Những năm Hà Nội nắng nóng, Hồ Gươm có đoạn cạn trơ đáy.
(Theo Tiền Phong)