Khói từ vụ cháy rừng Australia đã lan đi và bao trùm hàng chục dặm xung quanh Trái Đất. "Đám khói này bao quanh toàn cầu trong khoảng một tuần", Manvendra Dubey - nhà nghiên cứu về ô nhiễm không khí và khói lửa tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos nói.
Hàng trăm ngọn lửa ở Alaska, Amazon và vòng Bắc Cực cũng đã tạo ra những đám khói dày đặc vào bầu khí quyển trong 6 tháng qua. Những đám khói này là sự pha trộn của các hạt cháy nhìn thấy được và các khí vô hình.
Nhưng cuối cùng khói đi đâu? Cơ bản, khói được chia làm hai loại: hữu hình và vô hình. Cả hai đều độc hại vì những lý do khác nhau.
Với khói hữu hình, khi các đám cháy rừng thiêu rụi những cây cao su và bạch đàn trong khu vực rộng lớn thuộc Công viên Quốc gia Wollemi Australia, tàn dư của những loại cây này bay lên không trung dưới dạng các hạt nhỏ.
Loại khói hữu hình này xuất hiện từ Wollemi đến nhiều vùng đất khô cằn khác ở phía Đông Nam Australia, gió sẽ đẩy chúng đi xa hơn. Những hạt trong khói hữu hình đã làm ô nhiễm nghiêm trọng không khí ở ba thành phố đông dân nhất Australia là Sydney, Melbourne và Brisbane, ảnh hưởng trực tiếp đến 12,5 triệu người. "Không khí rất khó thở, thật tồi tệ. Khói hữu hình ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí Australia", Mark Parrington - nhà khoa học cao cấp thuộc Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết.
Các hạt trong khói hữu hình làm hại đến phổi và tim. Các nhà khoa học cảnh báo hít phải loại hạt này trong không khí sẽ làm gia tăng sự tích tụ mảng bám trong động mạch, gây ra chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ).
May mắn, các hạt trong khói hữu hình sẽ bị gió phân tán, thổi đi và dần tan biến. Hầu hết các hạt này sẽ biến thành dạng đám mây màu nâu ở tầng đối lưu - tầng thấp nhất của khí quyển, nơi xảy ra các hiện tượng của thời tiết như những đám mây, mưa, lốc xoáy...
Faye McNeill, nhà nghiên cứu hóa học khí quyển và chất lượng không khí tại Đại học Columbia cho biết: "Các hạt trong khói hữu hình sẽ tồn tại trong khí quyển khoảng 5-7 ngày".
Khi rừng và cỏ cháy, phần lớn là khói vô hình và không mùi. Gỗ cháy tạo thành carbon dioxide (CO2), một loại khí gây ra hiện tượng nhà kính.
Sau vụ cháy rừng Australia vừa qua, một lượng lớn CO2 thải vào khí quyển. Từ 1/9/2019 - 15/1/2020, tổng lượng CO2 có trong bầu khí quyển bằng 75% lượng khí thải Australia xả vào bầu khí quyển mỗi năm.
Phần lớn lượng carbon dioxide này có thể sẽ tồn tại trong khí quyển hàng trăm năm. Mặc dù có nhiều loại thực vật trên cạn và sinh vật phù du tiêu thụ CO2 nhưng vẫn không thể nào triệt tiêu hết được.
Gỗ cháy cũng giải phóng một số loại khí vô hình khác. Khi ánh sáng Mặt Trời phản ứng với các khí này làm tầng ozone bị ảnh hưởng. Tầng ozone chứa nhiều khí độc sẽ khiến con người bị thở khò khè, đau tức ngực.
Tuy nhiên, gió cũng sẽ dần thổi bay những khí độc vô hình này lên tầng đối lưu giống như khí hữu hình. Tuy nhiên, các khí vô hình sẽ tồn tại khoảng ba tháng trong khí quyển và gây ra hiện tượng nhà kính.
Trong khi hầu hết khói hữu hình sẽ biến mất ở tầng đối lưu thì một phần nhỏ khói sẽ bay lên cao hơn đến tầng bình lưu nằm ở độ cao khoảng 6 dặm trong khí quyển. Tại đây, các hạt này khó rơi xuống bề mặt Trái Đất vì không có những hiện tượng thời tiết như ở tầng đối lưu, chúng sẽ tồn tại khoảng một năm.
Trong những thập kỷ tới, khói vô hình có thể là thứ độc nhất trong tất cả các loại khí gây ô nhiễm. Lúc đó, CO2 trong khí quyển đã tích lũy ở mức độ nhiều chưa từng có trong lịch sử địa chất. Những đám cháy rừng trong tương lai sẽ còn dữ dội hơn nữa, nhiệt độ Trái Đất sẽ ngày một tăng lên.
An Phạm (Theo Mashable)