Vở Thượng thiên Thánh Mẫu do Nhà hát Cải lương kết hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng, xoay quanh ba lần giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh - một trong "Tứ bất tử". Bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng Đế, giáng trần cứu chúng sinh, dạy cho người dân nghề truyền thống. Cuối đời, bà quy y cửa Phật.
Theo ông Tống Toàn Thắng - Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sĩ cải lương truyền tải nội dung, còn nghệ sĩ xiếc sẽ biểu diễn minh họa lời ca, nhân vật. Đặc biệt, êkíp chú trọng về ảo thuật để tạo sự biến hóa, khắc họa hình tượng nhân vật. Ví dụ cảnh Mẫu Liễu Hạnh giáng trần, nghệ sĩ có thể bay lượn trên không trung. Ở cảnh bà hầu đồng, cứu chúng sinh, xiếc, ảo thuật sẽ phát huy tối đa công năng.

Nghệ sĩ xiếc biểu diễn tại lễ khởi công sáng 1/4. Ảnh: Quang Tấn Lại.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho biết rất khó để tái hiện hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh trên sân khấu. Êkíp nhờ tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ - và nghệ nhân Phạm Hải Hậu làm cố vấn nội dung để đảm bảo tính chính xác.
Vở diễn có sự tham gia của 60 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Hiện êkíp chưa xác định người đóng Mẫu Liễu Hạnh. "Chúng tôi đang bàn tính xem ba lần Thánh Mẫu giáng trần là ba người khác nhau hay chỉ cần một nghệ sĩ", Triệu Trung Kiên nói. NSND Tự Long đảm nhận phần hát chầu văn trong toàn bộ tác phẩm. Thượng thiên Thánh Mẫu dài 120 phút, dự kiến ra mắt vào tháng 6 với hai phiên bản: sân khấu tròn của rạp xiếc và sân khấu vuông để có thể biểu diễn lưu động ở nhiều địa phương.
Thượng thiên Thánh Mẫu là tác phẩm thứ hai trong dự án nghệ thuật Huyền sử Việt của Liên đoàn xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Dự án gồm bốn tác phẩm ca ngợi công đức của "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam là: Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) và Thánh Gióng. Trước đó, vở Cây gậy thần, kể về mối duyên của Chử Đồng Tử và Tiên Dung, ra mắt hồi cuối năm 2020 thu hút sự chú ý.
Hiểu Nhân