Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng đầu tư ban đầu của dự án vào năm 2005 là 5.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức này đã được điều chỉnh hơn 8.700 tỷ đồng (tăng 1,7 lần) và được Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chấp thuận cho sử dụng thêm 100 triệu USD trong khoản tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cho dự án.
Tuyến tàu điện dài khoảng 13 km với 12 ga trên cao. Điểm đầu tuyến tại Cát Linh (đối diện khách sạn Horison), sau đó đi qua Hào Nam - Hoàng Cầu - ngõ Thái Thịnh 1 - Láng - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung - quốc lộ 6 - bến xe Hà Đông mới.
Bộ Giao thông đã có quyết định phê duyệt dự án này, chủ đầu tư đang triển khai thủ tục chỉ định thầu và chuẩn bị khởi công trạm kỹ thuật (depot) trong quý I và làm việc với thành phố Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng.
Tàu điện sẽ xuất hiện ở Hà Nội sau vài năm. Ảnh: Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội
được Thủ tướng thông qua nghiên cứu tiền khả thi. Dự án này đã trình Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội thẩm định với tổng đầu tư là 19.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được UBND Hà Nội phê duyệt vào quý I.Tuyến xe điện Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km với 9,6 km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga ngầm. Loại phương tiện được tư vấn lựa chọn là tàu metro dài 20 m, tốc độ tối đa 80 km một giờ.
Xuất phát từ ga đường sắt tại Nhổn (ngã tư đường 70 và QL32), tàu điện sẽ đi theo quốc lộ 32, qua các đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1) do Tổng Công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Bộ GTVT phê duyệt cuối năm 2008. Đây là tuyến metro lớn nhất ở Hà Nội với chiều dài 25 km.
Hiện chủ đầu tư tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn, sau đó đấu thầu, khởi công xây dựng vào khoảng đầu năm 2012. Chủ đầu tư cũng đang lập phương án chung giải phóng mặt bằng tại 6 quận huyện của Hà Nội với khối lượng tái định cư khoảng 1.900 hộ.
Tuyến đường sắt này đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ khảo sát khu vực xung quanh các nhà ga, để kiểm soát sự phát triển của các vùng phụ cận.
Theo “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội tới năm 2020” do Thủ tướng phê duyệt tháng 7 năm 2008, 5 tuyến vận tải đô thị khối lượng lớn tốc độ cao sẽ được xây dựng ở Hà Nội. Chính phủ Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ xây dựng tuyến metro số 1 trong khuôn khổ viện trợ phát triển chính thức ODA của Nhật Bản. |
Đoàn Loan