Ngày 23/12, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và YCH - tập đoàn logistics của Singapore đã khởi công Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là một phần trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng tới năm 2030. Đây cũng là cảng đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại Đông Nam Á (ASEAN), tích hợp chức năng của trung tâm phân phối và cảng cạn để cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường. Dự án do Công ty cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc - đơn vị liên danh giữa T&T Group và 2 đối tác Singapore là Tập đoàn YCH và Công ty YCH Holdings làm chủ đầu tư.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực.
Để phù hợp với xu hướng công nghệ trong logistics cùng nhu cầu phát triển của vận tải container, hoà với xu thế container hoá của các nước trong khu vực và toàn cầu, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được ứng dụng công nghệ internet vạn vận (IoT) hiện đại, như dùng robot để tự động hóa trong kho hàng cùng hệ thống điều khiển bằng máy tính điện tử. Lịch trình, thông tin của các container đến, đi khỏi trung tâm sẽ được số hoá và gửi tới trung tâm điều khiển bằng các mạng thông tin hiện có.
Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào vận hành khai thác giai đoạn một từ quý III/2022 và đưa giai đoạn 2 vào vận hành từ quý IV/2024.
Trước đó, vào tháng 11/2020, trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Việt Nam và Singapore đã bấm nút khởi động Mạng lưới logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án cho liên danh chủ đầu tư.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ mở đầu cho sự đột phá của logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025, chi phí logistics tại Việt Nam giảm xuống 16 GDP và tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%.
Đồng thời, đây sẽ là "cánh tay nối dài" cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp, các nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông quan hải quan, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế, hàng hóa giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác. Đồng thời, dự án cũng hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0.
"Đây sẽ là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc Việt Nam, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt, cũng như kết nối với Hà Nội, Sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc", ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ là điểm trung chuyển hàng hoá nội địa, hàng hoá xuất nhập khẩu và những mặt hàng khác tuyến Hàng lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai và từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Việc thực hiện và phát triển Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, khu vực nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
"Vĩnh Phúc sẽ đồng hành cùng Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn YCH để hoàn thành tiến độ công trình theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.
Những năm qua, ngành logistics Việt Nam có bước tiến đáng kể. Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam hiện đứng thứ 39/160, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều mặt bằng chung trên thế giới. Theo số liệu năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics ở Việt Nam bằng khoảng 20,9-25% GDP. Trong khi đó, mức chi phí này ở Thái Lan là 19%, Malaysia là 13%, Singapore là 8% và Mỹ là 7,7%. Chi phí logistics tăng cao đẩy chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng theo, làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia...
Theo T&T Group, với áp lực cạnh tranh của thương mại quốc tế, việc chạy đua về công nghệ sẽ góp phần tạo lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa chi phí, trách nhiệm, linh hoạt và giảm rủi ro.Trung tâm logistics công nghệ cao như dự án ICD Vĩnh Phúc được kỳ vọng là điều kiện cần thiết cho sản xuất công nghiệp, là mắt xích giúp giảm chi phí thương mại, tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại ở các quốc gia.
"Một dự án logistics lớn mang tầm vóc khu vực như Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ không trở thành hiện thực nếu chúng tôi không có đối tác uy tín như T&T Group. Chúng tôi tin, với sự hợp tác của hai tập đoàn, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ trở thành dự án giúp Vĩnh Phúc, miền Bắc và cả Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững trong nhiều năm tới", Tiến sĩ Robert Yap, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn YCH chia sẻ.
Cũng tại sự kiện, T&T Group đã trao 100.000 bộ kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 Biocredit Covid-19 Ag trị giá gần 5 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng số tiền T&T Group và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã ủng hộ, tài trợ cho công tác, phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước hơn 1.500 tỷ đồng.
Hoài Phong