Khu tái định cư nằm trên đồi sim, gồm 40 nóc nhà được xây dựng hai tầng kiểu truyền thống của người Tày cùng bếp, nhà vệ sinh, tổng diện tích mỗi hộ 1.000 m2. Khu dân cư được đầu tư đồng bộ, từ nhà ở đến nhà văn hóa, điểm trường, đường, điện, nước, đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định. Kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chịu trách nhiệm thiết kế.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nói với 40 hộ bị ảnh hưởng sẽ có nhiều gia đình không tìm lại được những gì đã có. Nhưng ông tin với tình thương yêu đùm bọc của đồng bào nơi đây cũng như tình cảm đồng bào cả nước, chắc chắn Làng Nủ sẽ có tương lai tốt đẹp. "Làng Nủ này mất đi do bão lũ thiên tai thì chúng ta quyết tâm xây dựng một ngôi Làng Nủ mới đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn", ông nói.
Lào Cai thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi, đặc biệt là số người chết và bị thương. Theo ông Trường, tỉnh đã nhận được sự chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, đồng bào trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài. Nhờ vậy Lào Cai từng bước khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống của người dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trước đó ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính vào hiện trường Làng Nủ thăm hỏi nhân dân, động viên các lực lượng tìm kiếm người mất tích sau trận lũ quét. Ông giao các cấp chính quyền khảo sát một số địa điểm, các cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ an toàn để sớm khôi phục Làng Nủ.
"Chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành. Thiếu gì, cần gì thì báo cáo Chính phủ", lãnh đạo Chính phủ nói, nhấn mạnh tất cả những người còn sống phải có nơi an cư, có điện nước, cây xanh, đảm bảo môi trường sống lành mạnh.
Làng Nủ nằm dưới chân núi Voi, là nơi 167 hộ với 760 đồng bào người Tày sinh sống nhiều đời. Cư dân chủ yếu làm nông, một năm hai vụ lúa, ngô, sắn. Trận lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 54 người chết, 13 người mất tích, 14 người bị thương đang nằm viện.
Hoàng Phương