"Đoạn TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam, dài 55 km có điểm bắt đầu là nút giao An Phú quận 2 (TP HCM) và điểm cuối tuyến là nút giao quốc lộ 1A với Dầu Giây tỉnh Đồng Nai", ông Trần Xuân Sanh, Giám đốc Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - chủ đầu tư dự án, cho biết. Đường cao tốc này nằm trọn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với phát triển khu vực.
Phối cảnh đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tương lai. Ảnh: Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam |
Ông Sanh khẳng định, đây là một trong những dự án trọng điểm góp phần phát triển kinh tế xã hội của không riêng tỉnh Đồng Nai, TP HCM mà còn cả với các tỉnh lân cận khác. Đường cao tốc cũng sẽ rút ngắn thời gian từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Đánh giá về tầm quan trọng của dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Dự án này xây dựng xong sẽ nối liền với Đại lộ Đông Tây, kết nối với đoạn đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, sẽ có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế xã hội với các tỉnh khác như Đồng Nai, Long An...".
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thiết kế cho xe lưu thông với tốc độ lên đến 120 km một giờ với 4 làn xe. Tuyến sẽ được chia làm 2 đoạn: đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành, tỉnh Đồng Nai, dài 23,9 km đi qua quận 2, 9 (TP HCM), huyện Nhơn Trạch và Long Thành tỉnh Đồng Nai. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31,1 km đi qua huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai.
Trên tuyến gồm có 20 cầu cỡ lớn và nhỏ, với lớn nhất là cầu Long Thành có chiều dài 1.700 m. Các công trình phụ trợ khác gồm 3 trạm thu phí, 1 trạm nghỉ, 2 trụ sở quản lý...
Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến hơn 930 triệu USD, dự kiến thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2012. Thời gian hoàn vốn là 32 năm bằng thu phí giao thông.
Kiên Cường