Mang thai hơn 6 tháng, người mẹ 27 tuổi ở Đăk Nông được bác sĩ chẩn đoán thai nhi có khối bướu ở vùng cổ. Chị vào Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, để bác sĩ theo dõi thai kỳ với hy vọng cứu con.
Bác sĩ Phan Thanh Bình, Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết thai nhi có khối bướu "như bộ râu ông già Noel" nằm ở toàn bộ vùng cổ trước, xâm lấn vùng hầu sau, đẩy lưỡi bé thè ra ngoài, chèn ép khí đạo, hẹp luôn cả thực quản.
Trong bụng mẹ, thai nhi sống được nhờ nhận oxy và dinh dưỡng thông qua dây rốn nối với bánh nhau. "Tuy nhiên khi chào đời, cắt dây rốn khỏi mẹ, nhau bong, quá trình cung cấp oxy giữa mẹ và bé bị chấm dứt, em bé với khối bướu chèn ép không tự thở được sẽ tử vong", bác sĩ Bình phân tích.
Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 lên kế hoạch thực hiện phẫu thuật EXIT ngày 29/1 khi thai gần 38 tuần. Với kỹ thuật này, khi kíp bác sĩ sản đưa em bé vừa nhô phần đầu và vai khỏi bụng mẹ, còn nguyên dây rốn thì kíp bác sĩ nhi phải khẩn cấp đặt nội khí quản giúp thở, hỗ trợ hô hấp cho bé.
Thông thường sản phụ khi sinh xong, bác sĩ phải nhanh chóng bóc nhau hoặc sau 3-5 phút nhau sẽ tự bong. Thời gian bong nhau càng lâu, khả năng bà mẹ chảy máu càng nhiều, nguy cơ mất tử cung, thậm chí tử vong càng lớn.
"Nhiệm vụ đặt ra là phải giữ cho nhau lâu bong nhưng không gây nguy hiểm cho người mẹ, đủ thời gian đặt được nội khí quản giúp thở cho bé rồi mới kẹp cắt dây rốn, tách rời bé khỏi tuần hoàn thai nhi, tiến hành cho nhau bong", bác sĩ Bình cho biết.
Sau ca mổ EXIT đầu tiên thành công ngày 21/1, hai kíp bác sĩ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng hơn. Do khối bướu của em bé lần này phức tạp hơn, bác sĩ quyết định gây mê cho sản phụ. Quá trình phẫu thuật, sản phụ được gây mê nên ngủ sâu, lại tận dụng một phần thuốc mê qua em bé để bé nằm yên trong quá trình thủ thuật. Sản phụ cũng được cho dùng thuốc giãn tử cung để kéo dài thời gian bong nhau.
Kíp sản hỗ trợ xoay trở em bé ở tư thế thuận lợi, góp phần giúp bác sĩ nhi đặt nội khí quản thành công trong khoảng 2,5 phút. Sau khi kẹp cắt dây rốn, sản phụ được bóc nhau để tránh mất máu nhiều. Dự đoán sản phụ mất một lít máu nhưng kết thúc ca mổ chỉ mất 600 ml, như cuộc sinh thông thường nên không truyền thêm.
Bé trai nặng 2,8 kg sau khi giúp thở được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị bướu.
Trước đây những trường hợp phát hiện thai nhi có bướu chèn ép đường thở, người mẹ thường được tư vấn bỏ thai. Phẫu thuật EXIT được thực hiện trên thế giới khoảng vài năm nay, giúp giải áp đường thở, đặt nội khí quản ngay trong phòng sinh khi em bé vẫn còn dây rốn, tăng khả năng cứu sống bé.