AFP dẫn báo cáo của trang nghiên cứu 38 North cho biết việc phân tích hình ảnh tập trung vào đám khói thải bốc lên từ lò hơi dùng để tạo nhiệt cho cơ sở thí nghiệm hóa phóng xạ tại khu phức hợp Yongbyon. Cơ sở phục vụ hoạt động xử lý plutonium từ một lò phản ứng 5 megawatt tại Yongbyon để biến thành vật liệu phân hạch cấp độ vũ khí.
Các chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, Đại học Johns Hopkins, cho rằng dựa trên khí thải này, họ vẫn chưa rõ liệu việc tái xử lý thêm plutonium đang diễn ra hay sẽ được thực hiện trong tương lai.
Tuy nhiên, trang này nhấn mạnh tuyên bố của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng thu được plutonium cấp vũ khí từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng gần đó "trong vài tuần".
Triều Tiên ngừng hoạt động của lò Yongbyon năm 2007 theo một thỏa thuận giải trừ vũ khí lấy viện trợ nhưng bắt đầu nâng cấp cơ sở sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần ba năm 2013.
Phân tích hình ảnh vệ tinh của một trung tâm nghiên cứu khác của Mỹ hồi tháng một gợi ý lò phản ứng vẫn hoạt động hết công suất. Khi hoạt động đầy đủ, lò có thể chế tạo khoảng 6 kg plutonium/năm, đủ cho một quả bom nguyên tử, các chuyên gia nói.
Triều Tiên đã thực hiện 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân, gần nhất là ngày 6/1, khi nước này thông báo kích hoạt thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên. Các chuyên gia cho rằng quy mô địa chấn và các thông tin tình báo khác cho thấy vật được thử nghiệm dường như không phải là một thiết bị đầy đủ chức năng.
Trọng Giáp