Trước đó cô gái 26 tuổi ở Mỹ từng đăng video 'tạm biệt' vòng một với 240.000 người theo dõi lên TikTok và nhận được nhiều sự quan tâm.
Smith tiết lộ tiêm botox từ năm 19 tuổi, đến năm 23 tuổi tiếp tục sửa mũi. Đặc biệt những thông tin này cô không hề giấu giếm bởi bà, mẹ và dì đều trải qua những thủ thuật xâm lấn để tự tin hơn.
"Nhiều năm trước tôi từng bị người ngoài phản đối và cho rằng không cần thiết khi đề cập đến chuyện sửa mũi. Nhưng giờ đây mọi người rất ủng hộ và điều đó khiến tôi cảm thấy tốt hơn", Smith nói. Cô cũng nhận thấy sự thay đổi trong cách bạn bè bàn luận về phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhưng Smith không phải là người trẻ duy nhất chia sẻ hành trình trùng tu sắc đẹp. Chỉ cần dạo một vòng trên nền tảng mạng xã hội, không khó bắt gặp các video, hình ảnh tương tự của một influencer nào đó. Dưới bài đăng, nhiều bình luận ngợi khen hoặc chia sẻ mong muốn sẽ can thiệp vào ngoại hình trong tương lai.
Halley Kate, người đồng tổ chức podcast "Hot Girl Talks" với Smith và Carly Weinstein, đã chia sẻ hàng loạt video ghi lại các cảnh hút mỡ ở cằm vào đầu năm nay. Hay Alix Earle, một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội của Mỹ, cũng tổ chức lễ kỷ niệm nâng ngực với hơn 5 triệu người theo dõi bằng video kể chi tiết quá trình kiếm tiền và tiết kiệm để chi trả cho ca phẫu thuật.
"Tôi đã chọn size vừa phải là 275 cc, dù trước nghĩ sẽ lựa chọn kích cỡ to hơn", Earle mô tả về kích thước túi độn ngực của bản thân.
Hơn một trăm năm trước, mục đích ban đầu của phẫu thuật thẩm mỹ là để sửa chữa những khuyết điểm trên cơ thể do tác động bên ngoài. Như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các bác sĩ đã phát triển các phương pháp sửa chữa những chiếc mũi hỏng và hàm bị gãy, sau mới áp dụng với những người có nhu cầu. Năm 1962, một bà nội trợ ở Texas (Mỹ) là người đầu tiên cấy ghép ngực bằng silicon.
Nhưng chỉ đến những năm 1990, thế hệ Baby Boomer (sinh từ năm 1946 đến năm 1964) bắt đầu có thu nhập khá và lựa chọn nhiều biện pháp khác nhau để làm mới vẻ ngoài. Theo một số báo cáo không chính thức, số ca hút mỡ tại Mỹ tăng gấp 10 lần trong thập kỷ đó.
Tuy nhiên những người sử dụng cách này thường muốn giữ kín thông tin vì sợ gắn mác "đẹp giả". Không ít người nổi tiếng thẳng thằng phủ nhận từng can thiệp dao kéo lên cơ thể, dù từng thực hiện.
Năm 2011, ngôi sao điện ảnh Megan Fox đã đáp lại những tin đồn nghi vấn tiêm botox bằng cách đăng một album trên Facebook với tiêu đề 'Những điều bạn không thể làm với khuôn mặt mình khi tiêm Botox', cùng bức ảnh cô cau mày và trông có vẻ ngạc nhiên. Năm 2016, diễn viên Olivia Munn đã đăng bài viết khẳng định những thay đổi trên gương mặt là kết quả của việc ăn khoai tây và biết kẻ lông mày đẹp. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác cũng thường xuyên bị người hâm mộ "mổ xẻ" liệu có động chạm dao kéo.
Nhưng khác với những thế hệ trước, Gen Z không ngần ngại để lộ quá trình phẫu thuật thẩm mỹ thông qua các nền tảng kỹ thuật số.
Theda Kontis, chủ tịch của Học viện Phẫu thuật Tái tạo và Tạo hình Khuôn mặt ở Mỹ, cho biết khi hỏi ý kiến bệnh nhân về việc có được đưa hình ảnh của họ lên mạng xã hội hay không, phần lớn người lớn tuổi đều e dè, nhưng nhóm trẻ luôn đồng ý và hỏi bao giờ sẽ đăng. "Họ còn hỏi nếu tôi không đăng, chính họ sẽ làm điều đó", Theda Kontis nói.
Khảo sát năm 2022 do Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ đã phát hiện có 76% bác sĩ thẩm mỹ nhận thấy sự gia tăng về nhu cầu thay đổi diện mạo cơ thể sau đại dịch. Các lý do hàng đầu được đưa ra như giúp bản thân tự tin, trẻ hơn sau thời gian căng thẳng vì dịch bệnh và họp trực tuyến. Các biện pháp trẻ hóa được ưu tiên hàng đầu bao gồm tiêm botox, các chất làm đầy mô mềm để ngăn chặn quá trình lão hóa.
Các bác sĩ phẫu thuật cũng đồng tình rằng người trẻ ngày nay chọn phẫu thuật phẩm mỹ đều biết chính xác bản thân muốn gì. "Những bệnh nhân thuộc thế hệ trước khi đến phẫu thuật chỉ đưa ra yêu cầu muốn đẹp hơn nhưng không biết sẽ làm gì. Còn những người trẻ thường đề xuất rất rõ, chẳng hạn như tiêm chất làm đầy vào má hay các vị trí cụ thể", Kontis nói.
Gen Z được cho là thế hệ bị ảnh hưởng nhiều đến các biện pháp làm đẹp nhiều hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu nào. Lara Devgan, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở New York, cho biết những người ở độ tuổi 20 đang lớn lên trong thời kỳ phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phát triển. Theo đó, trong khi các quảng cáo của Dove và búp bê Barbie khuyến khích người dùng yêu bản thân thì những bộ lọc trên Instagram, truyền hình thực tế lại thúc giục họ nên cân nhắc "dao kéo" để đạt tỷ lệ vàng trên gương mặt, eo con kiến.
Virgie Tovar, một tác giả, giảng viên và chuyên gia về nghiên cứu cho biết chúng ta đang ở trong một nền văn hóa ưu tiên vẻ bề ngoài. Và điều này khiến sự phân biệt đối xử dựa trên cân nặng và sự tích cực của cơ thể trở nên quan trọng.
Eli Rallo, 24 tuổi, người sáng tạo nội dung, tác giả và người dẫn chương trình podcast, người đã cởi mở về các quy trình thẩm mỹ của riêng mình với 717.000 người theo dõi trên TikTok, nói: "Tôi tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ không phải nữ quyền, nhưng cũng không phải phi nữ quyền".
Cô gái 24 tuổi ở New Jersey đã đi thu nhỏ ngực năm 18 tuổi bởi không tìm được váy cúp ngực phù hợp. Bên cạnh đó, Rallo cũng đã đăng bài về việc thu gọn môi - một thủ thuật không xâm lấn giúp môi trên trông đầy đặn hơn bằng cách tiêm Botox vào cơ phía trên, kết hợp với một số chất làm đầy vào môi trên của cô ấy.
Rallo lý giải nguyên nhân làm điều này là bởi bản thân từng bị người dùng mạng miệt thị bởi lộ nướu khi cười. "Tôi yêu nụ cười của mình nhưng không nghĩ có ngày sẽ phải thay đổi vì tác động của mạng xã hội", cô nói.
Theo các chuyên gia, phẫu thuật luôn tiềm ẩn một mức độ rủi ro đáng kể, nhưng các biện pháp can thiệp không xâm lấn cũng có thể nguy hiểm.
Nhiều năm kinh nghiệm làm nghề, Kontis luôn cảnh báo người trẻ muốn tạo hình mũi bằng chất lỏng - cách thức tiêm chất làm đầy da vào và xung quanh mũi để thay đổi hình dạng, rất nguy hiểm, tăng khả năng dẫn đến mù lòa, tắc mạch máu hoặc tổn thương da vùng mũi.
"Nghe có vẻ kinh dị nhưng đây là sự thật", Kontis nói.
Minh Phương (Theo Washingtonpost)