Tờ Izvestia của Nga ngày 12/11 công bố video cho thấy đập thủy điện Kakhovka hoạt động bình thường trước khi ánh sáng lóe lên, tiếp theo cầu lửa lớn xuất hiện và nhiều mảnh vỡ văng ra ngoài. Giới chức Nga chưa đề cập đến vụ nổ trên đập Kakhovka.
Cầu trên đập Kakhovka nằm trong tuyến đường duy nhất lực lượng Ukraine có thể sử dụng để đưa khí tài hạng nặng vượt qua sông Dnieper để nhanh chóng áp sát Novaya Kakhovka sau khi kiểm soát thành phố Kherson, nơi lực lượng Nga đã rút quân chóng vánh.
Ảnh vệ tinh được hãng Maxar Technologies, trụ sở tại Mỹ, công bố ngày 11/11 cho thấy phần thân đập thủy điện Kakhovka bị hư hại, ba đoạn mặt cầu trên thân đập đã biến mất. Giới chuyên gia phương Tây nhận định vụ nổ trên đập Kakhovka là hành động có chủ ý.
Hồ chứa của đập Kakhovka có dung tích khoảng 18 tỷ m3, cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và kênh đào Crimea. Đập nằm cạnh thành phố Novaya Kakhovka và cách thành phố Kherson khoảng 70 km.
Các chuyên gia phương Tây và giới chức Ukraine cảnh báo đập Kakhovka bị hư hại có thể gây ngập lụt các khu dân cư phía hạ nguồn, trong đó có thành phố Kherson.
Một số cây cầu khác tại khu vực tỉnh Kherson bên bờ tây sông Dnieper cũng bị phá hủy sau khi lực lượng Nga thông báo rút quân, trong đó có cầu Antonovsky. Đây là cây cầu được xây dựng từ thời Liên Xô với chiều dài 1.366 m và rộng 25 m, nối thành phố Kherson tới khu vực Nga kiểm soát ở bờ đông sông Dnieper.
Cầu Antonovsky từng bị Ukraine pháo kích liên tục và phải dừng hoạt động sau khi Nga nhiều lần nỗ lực sửa chữa. Quân đội Nga sau đó phải mở tuyến phà qua sông Dnieper để di chuyển lực lượng và đồ tiếp tế vào thành phố Kherson.
Nga ngày 11/11 thông báo rút toàn bộ hơn 30.000 quân nhân và khoảng 5.000 đơn vị khí tài khỏi thành phố Kherson và khu vực lân cận, chiếm khoảng 40% diện tích tỉnh miền nam Ukraine. Ukraine sau đó thông báo quân đội nước này tiến vào thành phố Kherson và các khu vực lân cận "gần như không gặp trở ngại nào".
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph, Izvestia)