Tài khoản của một cựu binh sĩ Ukraine ngày 2/4 đăng video Lữ đoàn Xung kích Độc lập số 92 nước này phục kích các thiết giáp Nga tại Donetsk. Video cho thấy đoàn xe di chuyển trên cánh đồng vào buổi đêm, dường như nhằm tránh nguy cơ bị đối phương phát hiện.
Tuy nhiên, thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) trinh sát của Ukraine được trang bị camera ảnh nhiệt nên vẫn có thể nhận diện rõ từng chiếc thiết giáp. Chiếc drone sau đó chuyển tọa độ đoàn xe cho lực lượng Ukraine để họ khai hỏa đạn chùm tập kích đối phương theo kiểu rải thảm.
Đòn tập kích tạo ra hai vụ nổ, cho thấy ít nhất hai thiết giáp của Moskva đã bị trúng đạn con do quả đạn chùm phát tán. Không rõ thiệt hại cụ thể của lực lượng Nga sau vụ tấn công.
"Đợt xung kích của quân Nga nhằm vào cứ điểm của Lữ đoàn 92 đã bị chặn đứng. Pháo binh và đạn chùm của Ukraine đã hoạt động rất hiệu quả, song sẽ khó thành công nếu không có sự hỗ trợ của drone trang bị camera ảnh nhiệt", theo bình luận đăng kèm video.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Đạn chùm được đánh giá là vũ khí hiệu quả để chống lại bộ binh, đồng thời cũng có thể gây thiệt hại lớn cho xe tăng, thiết giáp và các khí tài khác.
Đạn chùm không gây sát thương bằng thuốc nổ hoặc đầu đạn xuyên phá thông thường, mà chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu. Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện rộng, hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường.
Dù vậy, loại đạn này cũng gây nhiều tranh cãi, do nó có thể phát nổ hàng chục năm sau khi rơi xuống đất, gây nguy cơ lớn cho dân thường.
Mỹ tháng 7/2023 chấp thuận chuyển giao đạn chùm DPICM cho Ukraine. Tháng 10 cùng năm, Kiev xác nhận nước này đã được Washington cung cấp biến thể Tên lửa Lục quân Chiến thuật (ATACMS) sử dụng đạn chùm, có tầm bắn khoảng 165 km.
Mẫu tên lửa này đã được Ukraine nhiều lần sử dụng để tấn công lực lượng Nga, trong đó có vụ tập kích vào sân bay ở thành phố Berdyansk khiến ít nhất 21 trực thăng hư hỏng, theo phân tích từ ảnh chụp vệ tinh.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Militarnyi, Defense Express, BI)