Cựu thứ trưởng nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko hôm nay đăng loạt video trích xuất từ máy quay an ninh tại thành phố Dnipro, ghi lại đòn tập kích của Nga nhằm vào đô thị này rạng sáng cùng ngày.
Trong video, hàng loạt vệt sáng liên tiếp lao xuống đất với tốc độ cao, trước khi những tiếng nổ lớn vang đến. "6 đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Nga đã đánh trúng thành phố, đánh dấu lần đầu loại vũ khí này thực chiến trong lịch sử thế giới", ông Gerashchenko cho hay.
Bộ tư lệnh Không quân Ukraine cáo buộc Nga tấn công các doanh nghiệp và hạ tầng thiết yếu ở thành phố Dnipro ở miền trung nước này bằng nhiều loại tên lửa, trong đó có một ICBM phóng từ tỉnh Astrakhan, một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và 7 tên lửa hành trình tầm xa Kh-101.
"Các đơn vị phòng không đã bắn hạ 6 quả đạn Kh-101. Những tên lửa khác không gây hậu quả đáng kể. Chưa có thông tin về thương vong", cơ quan này cho hay.
Chính quyền thành phố Dnipro cho hay hai người bị thương trong vụ tập kích, một cơ sở công nghiệp và một trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật cũng bị hư hại.
Theo dữ liệu định vị địa lý công bố bởi Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, đòn tấn công nhắm vào Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Pivdenmash), nơi chuyên sản xuất tên lửa đẩy, tên lửa đạn đạo và nhiên liệu lỏng cho tên lửa của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng về thông tin.
United 24, trang kêu gọi quyên góp cho Ukraine do Tổng thống Volodymyr Zelensky khởi xướng, cho hay quân đội Nga đã khai hỏa ICBM RS-26 Rubezh trong đòn tập kích.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, RS-26 Rubezh là tổ hợp ICBM dùng nhiên liệu rắn, đặt trên bệ phóng di động được Viện Công nghệ Nhiệt Moskva của Nga phát triển từ năm 2008, dựa trên thiết kế của mẫu RS-24 Yars.
Tên lửa có chiều dài ước tính 12 m và đường kính 1,8 m, nặng 36 tấn và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng 800 kg. Chưa rõ RS-26 chỉ mang được một đầu đạn hay nhiều đầu đạn ứng dụng công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV).
Trong lần phóng thử đầu tiên diễn ra hồi tháng 9/2011 tại sân bay vũ trụ Plesetsk, tên lửa RS-26 đã bay chệch hướng và lao xuống khu vực cách bệ phóng khoảng 8 km.
Cuộc thử nghiệm thứ hai được Nga tiến hành vào tháng 5/2012 và thành công. Tên lửa mang một đầu đạn mô phỏng hạng nhẹ và bay được 5.800 km. Nhà sản xuất tiết lộ RS-26 có ít tầng đẩy hơn, khiến tầm bắn tối đa của nó cũng thấp hơn nhiều so với dòng Yars.
Ba đợt phóng thử tiếp theo diễn ra từ năm 2012-2015 đều thành công. Trong loạt vụ thử này, Nga trang bị đầu đạn nặng hơn và chỉ phóng tên lửa ở tầm 2.000 km.
Loạt vụ thử RS-26 khiến giới chức phương Tây đặt nghi vấn về mức độ tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF), vốn cấm Nga và Mỹ phát triển mọi loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Đến năm 2018, truyền thông Nga nói rằng dự án RS-26 đã bị đình chỉ cho đến sau năm 2027, nhằm dành ngân sách cho chương trình phát triển phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard.
Nếu RS-26 thực sự được sử dụng trong đòn tập kích vào thành phố Dnipro, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tham gia thực chiến, đánh dấu bước ngoặt mới trong xung đột Nga - Ukraine.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters, CSIS)