Video đăng trên mạng xã hội hôm 24/1 cho thấy tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 Nga đang lao tới mục tiêu ở thủ đô Kiev của Ukraine trong đòn không kích trước đó một ngày.
Trong video, quả đạn Kh-101 hạ độ cao, hướng đến vị trí có cột khói đen, liên tục phóng ra các quả pháo sáng kèm theo nhiều tiếng lốp bốp. Quầng lửa lớn màu da cam bùng lên, nhưng không rõ là tên lửa đánh trúng mục tiêu hay bị phòng không Ukraine bắn hạ.
Đây không phải lần đầu xuất hiện video tên lửa Kh-101 phóng mồi bẫy khi tập kích mục tiêu Ukraine, nhưng là lần đầu có hình ảnh loại vũ khí này sử dụng pháo sáng trên bầu trời Kiev.
Tên lửa Kh-101 Nga thả mồi bẫy khi lao xuống Kiev ngày 23/1. Video: Twitter/RobCSAdams
Bộ tư lệnh không quân Ukraine hôm 23/1 thông báo Nga triển khai 41 tên lửa các loại, trong đó có 15 quả Kh-101/555, để tập kích nước này. "Các đơn vị phòng không đã bắn hạ toàn bộ 15 tên lửa Kh-101/555, cùng 5 quả đạn Iskander-M và một tên lửa Kh-59", cơ quan này cho hay.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó tuyên bố đã phá hủy tổ hợp phòng không SAMP/T trị giá hơn nửa tỷ USD được Pháp và Italy viện trợ cho Ukraine.
Timothy Wright và Fabian Hoffmann, chuyên gia tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Đại học Oslo của Na Uy, khẳng định Kh-101 là dòng tên lửa hành trình đầu tiên trên thế giới được trang bị mồi bẫy để đánh lừa phòng không.
Mồi bẫy của Kh-101 không tạo ra vệt khói dài như đạn pháo sáng thông thường, có thể vì chúng phát quang phổ ngoài khả năng quan sát của mắt người và camera dân sự, hoặc có thời gian cháy ngắn hơn so với mồi bẫy trên máy bay quân sự. Các dải kim loại và sợi thủy tinh để gây nhiễu radar, vốn rất khó quan sát từ mặt đất, cũng có thể được trộn vào quả đạn này.
Mồi bẫy nhiệt có thể làm chệch hướng tên lửa tầm nhiệt trang bị đầu dò hồng ngoại, trong khi dải kim loại có khả năng tạo tín hiệu giả hoặc màn nhiễu trên hệ thống cảnh giới và đầu dò radar của tên lửa đối phương.

Tên lửa Kh-101 được lắp lên oanh tạc cơ Tu-160 Nga trong một cuộc diễn tập. Ảnh: BQP Nga
Tuy nhiên, cả hai đều bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của phương thức này. "Tăng cường khả năng sống sót của Kh-101 là mục tiêu mà Nga theo đuổi, nhất là khi Ukraine thường xuyên bắn hạ được loại tên lửa này", Hoffman nói.
Wright nhận định mồi bẫy sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể trong đòn tập kích của Nga. "Phòng không Ukraine có thể tốn thêm đạn dược để đánh chặn mục tiêu, nhưng tên lửa Kh-101 mang mồi bẫy không phải viên đạn bạc bảo đảm khả năng xuyên thủng lưới phòng thủ đối phương", ông nói.
Chưa rõ phương thức kích hoạt mồi bẫy trên tên lửa của Nga. Chúng có thể phóng tự động theo tọa độ và thời gian định sẵn, hoặc chỉ được thả khi tên lửa phát hiện hỏa lực đối phương.
William Alberque, giám đốc chương trình kiểm soát vũ khí tại IISS, nhận định Nga lựa chọn phương án thả tự động để đơn giản hóa quá trình chế tạo và chuẩn bị, dù hiệu quả thấp hơn.
"Các hệ thống phòng không hiện đại của Ukraine sẽ không bị đánh lừa. Phần lớn đều có thể phân biệt hình dáng giữa tên lửa và mồi bẫy, chỉ pháo sáng là không đủ để khiến chúng lệch mục tiêu", Alberque nói.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Nga bắt đầu triển khai phiên bản Kh-101 trang bị biện pháp đối phó phòng không từ đầu năm 2023, trong bối cảnh lưới Ukraine được viện trợ hàng loạt hệ thống phòng thủ của phương Tây. Quân đội Ukraine từng thu được một quả đạn gần như nguyên vẹn, với nhiều khối phóng mồi bẫy chưa kích hoạt.
Binh sĩ Ukraine từng thừa nhận mồi bẫy nhiệt cản trở khả năng khóa mục tiêu của tên lửa phòng không vác vai Stinger. "Đây có thể là biện pháp hiệu quả nhằm đối phó tên lửa Stinger lạc hậu, nhưng hoàn toàn vô hiệu với những tổ hợp phòng không đời mới", Hoffman cho hay.
Vũ Anh (Theo Reuters, Business Insider)