Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đưa ra ước tính trên khi phát biểu tại một sự kiện dành cho người tự kỷ hôm qua. Những người bị ảnh hưởng trực tiếp, theo ông, gồm bố mẹ và ông bà nội ngoại của trẻ.
Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức số lượng người mắc tự kỷ. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cách đây 10 năm, khoảng 200.000 người Việt mắc chứng tự kỷ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ đến khám và điều trị chứng tự kỷ ngày càng tăng. Khoa Tâm bệnh của bệnh viện hiện chỉ nhận can thiệp trẻ tương đối nặng, trẻ có cha mẹ chưa thành thục chuẩn kỹ năng chăm sóc người tự kỷ, trẻ ở những tỉnh không có trung tâm can thiệp, ở vùng xa. Phần lớn trẻ bị tự kỷ nhẹ sẽ được nhân viên y tế tư vấn và hướng dẫn phụ huynh chăm sóc.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), năm 2018 số người tự kỷ chiếm 1% dân số. Cứ 59 trẻ thì có một được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Tỷ lệ bé trai tự kỷ cao gấp bốn lần so với bé gái.
Theo các chuyên gia, tự kỷ là một phổ rộng, từ nhẹ đến nặng, không rõ nguyên nhân và không thể phòng ngừa; chỉ có phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập. Nhiều người chưa biết về chứng tự kỷ nên đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ. Hiện, chưa có nhiều nơi có thể chẩn đoán được tự kỷ. Việt Nam cũng rất ít trung tâm can thiệp dành cho trẻ tự kỷ lớn.
Điều khó khăn ở trẻ tự kỷ là thiếu ngôn ngữ, nhiều cháu có hành vi bất thường như tự làm đau, tự va đầu vào tường, đánh bạn, tăng động... Vì vậy, can thiệp sớm mang đến cơ hội tốt nhất để hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ, cải thiện khả năng học tập, giao tiếp và các kỹ năng xã hội... Trong quá trình can thiệp của trẻ cần có sự kết hợp, song hành của gia đình cùng với nhân viên y tế.
Ngày 2/4 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ, mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển kéo dài suốt đời. |