Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 12/10 cho thấy trong số 1,3 triệu lao động nêu trên, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.
Thống kê 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, nhận định "khá nan giải khi thu hút ngược lao động về lại trung tâm công nghiệp, thành phố lớn", bởi tâm lý lưỡng lự, e ngại của người dân. Chính sách phòng chống dịch của nhiều tỉnh, thành đang rất khác nhau và người lao động không thể lường được mức độ ổn định của các biện pháp này. Tương tự, doanh nghiệp cũng mong chờ chính quyền có chính sách nhất quán, không thể liên tục nối dài Chỉ thị 16.
"Chúng tôi mạnh dạn khuyến nghị các cấp có giải pháp chống dịch đồng bộ giữa các địa phương, thống nhất từ trên xuống, sớm khôi phục sản xuất thì người lao động mới nhanh quay lại thành phố làm việc", ông Nam nói.
Bức tranh thị trường lao động, việc làm, thu nhập quý III thể hiện nhiều đứt gãy, biến động do ảnh hưởng của đợt dịch và giãn cách xã hội kéo dài. Lao động nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 673.000 người, trái ngược so với xu hướng trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là người mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành này. Số lao động ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây, lần lượt hơn 952.000 người và 2,3 triệu người so với quý trước.
Thu nhập bình quân trong tháng của người lao động vì thế xuống mức thấp nhất trong vòng mười năm qua, giảm 877.000 đồng, xuống còn 5,2 triệu đồng. Lao động khu vực dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nhất khi thu nhập bình quân còn khoảng 6,2 triệu đồng, giảm một triệu đồng so với quý trước. Lao động ngành công nghiệp và xây dựng giảm 906.000 đồng, xuống còn 5,8 triệu đồng.
Ngược lại, nông lâm nghiệp và thủy sản ổn định cả về tốc độ tăng trưởng lẫn thu nhập bình quân. Đây là khu vực giảm ít nhất khoảng 340.000 đồng, đạt 3,4 triệu đồng mỗi tháng. Người làm công ăn lương thu nhập mỗi tháng còn 6 triệu đồng, giảm 795.000 đồng so với quý trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của quý này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng mười năm qua, khoảng 1,8 triệu người. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị khoảng 5,3%, cao hơn so với nông thôn, khoảng 3,9%. Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.
Quý III, hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động (15 đến 54 tuổi) thất nghiệp. Diễn biến phức tạp của đợt dịch cùng với thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý III lên mức cao nhất trong vòng mười năm, tới 3,98%. Số người có việc làm ở khu vực chính thức lẫn phi chính thức đều sụt giảm, lần lượt gần 469.000 người và 2,9 triệu người. Hàng triệu lao động khu vực phi chính thức "không còn cơ hội tìm được việc làm", kể cả tạm thời.
Do diễn biến phức tạp của Covid-19, dòng lao động từ các tỉnh phía Nam về quê đã diễn ra từ đầu tháng 7 và ồ ạt hơn vào đầu tháng 10. Thống kê sơ bộ, Nghệ An khoảng 87.000 người, Hà Tĩnh khoảng 16.000, Thừa Thiên Huế 40.000, Quảng Nam hơn 6.500 người. Các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai... đón hàng nghìn lao động trở về từ ngày 5/10 đến nay.
Hồng Chiêu