Ngày 23/10, Boeing cho biết họ lỗ 6 tỷ USD trong quý III. Từ đầu năm, hãng này đã lỗ gần 8 tỷ USD. Doanh thu quý trước cũng giảm 1%, về 17,84 tỷ USD.
Trong quý, Boeing tiêu tốn 1,96 tỷ USD tiền mặt, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (310 triệu USD). Giám đốc Tài chính Brian West dự báo công ty tiếp tục đốt tiền trong năm nay và 2025. Thông tin này khiến cổ phiếu Boeing giảm 1,7% phiên hôm qua.
West cho biết công ty đã có kế hoạch giải quyết khó khăn tài chính trong ngắn hạn, gồm phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu. Reuters trước đó trích nguồn tin thân cận cho biết quy mô phát hành của hãng khoảng 15 tỷ USD.
"Dựa trên phân tích hiện tại về nhu cầu thị trường, tốc độ sản xuất, thời gian nhận thanh toán và trả các chi phí, chúng tôi tin vẫn đủ vốn để hoạt động trong tương lai gần và tiếp cận thêm thanh khoản thời gian tới", Boeing cho biết trong báo cáo.
Dù vậy, công ty này có thể phải bán bớt tài sản, giảm quy mô lao động để tập trung vào mảng chính là sản xuất máy bay và thiết bị quốc phòng. "Tôi cho rằng chúng tôi nên làm ít đi và tốt hơn, thay vì dàn trải và chẳng cái nào làm ổn", CEO Boeing Kelly Ortberg nói.
Hãng này đang quay cuồng trong loạt scandal, từ khủng hoảng an toàn bay, sản xuất chậm trễ đến khối nợ lên tới 60 tỷ USD. Đầu tháng này, Boeing công bố kế hoạch giảm khoảng 10% nhân sự trên toàn cầu, tương đương 17.000 lao động. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc đình công của công nhân các nhà máy Boeing tại Bờ Tây đã kéo dài một tháng, khiến việc sản xuất các model 737 MAX, 767 và 777 bị đình trệ.
Tuy nhiên, việc đình công chưa thể chấp dứt, khi công nhân Boeing tiếp tục phủ quyết thỏa thuận lao động mới, gồm điều khoản tăng 35% lương trong 4 năm.
Brian West cho biết mục tiêu sản xuất 38 chiếc 737 MAX mỗi tháng trong năm nay bị trì hoãn do cuộc đình công. Tuy nhiên, kể cả khi việc này chấm dứt, tái khởi động sản xuất 737 MAX, 767 và 777 thân rộng cũng là thách thức, do vấn đề về chuỗi cung ứng. Boeing phải thuyết phục các nhà cung cấp đảo ngược quyết định vài tuần qua và cho công nhân nghỉ không lương, hoãn đầu tư mới.
"Việc tái khởi động còn khó hơn dừng lại nhiều", CEO Boeing Kelly Ortberg đánh giá về các nhà máy và chuỗi cung ứng của Boeing.
Dù vậy, giới phân tích lại coi phát biểu này là tín hiệu lạc quan. "Boeing trước đây còn không thừa nhận họ có vấn đề, chứ đừng nói đến việc khắc phục", Robert Stallard - nhà phân tích tại Vertical Research Partners giải thích.
Ortberg cho rằng Boeing là con tàu lớn cần thời gian để chuyển hướng. "Nhưng khi đã làm được điều này, nó sẽ có khả năng vĩ đại như xưa", ông khẳng định.
Hà Thu (theo Reuters)