-Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự, chỉ có những tổ hợp công nghệ quân sự khổng lồ ở các nước phát triển mới thực hiện. Tại sao Việt Nam lại tự sản xuất một phần, thay vì nhập khẩu, thưa ông?
- Nếu cứ nhập khẩu 100% từ nước ngoài thì cũng có những vấn đề cần phải cân nhắc. Thứ nhất, khi mua một thiết bị của nước ngoài thì suốt đời phải phụ thuộc vào họ. Khi hỏng, hay muốn nâng cấp cái gì cũng phải nhờ cậy vào đối tác nước ngoài và họ yêu cầu giá nào mình cũng buộc phải nghe. Những nhà cung cấp này thậm chí còn không cần đi chào hàng, dựa trên các thông tin thu thập được họ biết và phán đoán ra một quốc gia sẽ buộc phải trang bị vũ khí, thiết bị gì để đối phó với tình hình, và họ ngồi chờ người đến mua. Hệ quả tiếp theo là làm ảnh hưởng đến bí mật quân sự, vì thông qua số lượng mua, họ có thể suy ra được biên chế của quân đội một quốc gia.
Thứ hai là về mặt tài chính. Khi đã phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài thì giá thiết bị rất đắt, thậm chí không đúng với giá thành vì trên thế giới ít người làm được. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố bí mật quốc gia với các thiết bị thông tin quân sự. Còn việc tự sản xuất thành công thì câu chuyện đầu tiên có thể thấy ngay là tiết kiệm rất nhiều tiền. Những sản phẩm mình làm được, tiết kiệm so với phải mua không phải là 5-10 lần, mà có cái tới cả trăm lần. Kế đến, khi giải được bài toán về làm chủ công nghệ thì việc xây dựng các tính huống tác chiến của người Việt Nam rất nhanh. Trước đây, đối với một thiết bị của Nga trong lĩnh vực phòng không không quân, muốn thay đổi, nâng cấp một tính năng gì phải mất 6 tháng đến 1 năm. Còn giờ đây, chúng tôi (các chuyên gia công nghệ của Viettel) có thể thực hiện trong một tuần.Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ, đây là một lĩnh vực rất khó.
- Ngành lõi là viễn thông và công nghệ thông tin nhưng Viettel lại quyết định đầu tư vào sản xuất thiết bị thông tin quân sự - một lĩnh vực mới và đầy khó khăn. Xin ông cho biết lý do?
- Thực tế, ứng dụng công nghệ trong sản phẩm dân sự hay quân sự đều chung một nền tảng. Hầu hết mọi người biết đến Samsung, LG… là những nhà cung cấp thiết bị dân sự, nhưng sản phẩm của họ thực tế có đóng góp rất lớn cho quốc phòng của Hàn Quốc. Viettel là một doanh nghiệp quân đội, đã tiếp cận được với công nghệ sản xuất thiết bị điện tử viễn thông thì không có lý gì lại không đóng góp cho sức mạnh quân đội. Ở đây, tôi cũng xin giải thích rõ là Viettel tập trung vào việc sản xuất các thiết bị quân sự cần ứng dụng của công nghệ thông tin, tự động điều khiển. Với lĩnh vực này, Viettel hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, cả phần cứng và phần mềm.
- Khái niệm "Viettel làm chủ công nghệ" mà ông chia sẻ ở trên có thể hiểu như thế nào, thưa ông?
- Quan điểm của Viettel ngay từ khi làm viễn thông là: khi định làm việc gì đó mà chúng ta chưa biết, phải tự làm. Cách của chúng tôi là cứ nhảy vào cuộc, bài toán ban đầu có 10 ẩn số, chúng ta chia thành các nhóm giải quyết bằng được, còn 2 - 3 ẩn số thật khó mà không thể xử lý được mới tìm đối tác, tổ chức đấu thầu để chuyển giao. Cách làm đó giúp cho chúng tôi được chuyển giao đúng nội dung mình cần với giá trị thực. Thời đại ngày nay thông tin rất nhiều và tài liệu có thể mua được, thầy giỏi cũng có thể tiếp cận nhưng nếu không xây dựng bộ máy để khởi động và bắt tay vào làm thì sẽ không bao giờ có sản phẩm cả, kể cả khi có người muốn dạy, chuyển giao cho mình cũng khó học hỏi tốt. Sau một thời gian áp dụng nguyên tắc trên, giờ đã bắt đầu có các đối tác quan tâm xem Viettel đã nghiên cứu được gì để chia sẻ với họ.
Chẳng hạn, khi bắt tay làm bộ khuyếch đại 50W cho máy thông tin quân sự, chúng tôi có liên hệ với một số đối tác nước ngoài đặt vấn đề tiếp thu công nghệ. Tuy nhiên, có đối tác ra yêu cầu phải mua 100 bộ, và chi phí khoảng 5 triệu USD mới chuyển giao sơ đồ này. Với, đối tác khác thì muốn mua 1 bộ mẫu cũng mất đến 6-8 tháng. Vậy là chúng tôi quyết tự nghiên cứu và kết quả là tự làm được trong thời gian 8 tháng, đúng bằng thời gian chờ giao hàng nếu mua sản phẩm của nước ngoài. Chúng tôi đã sản xuất được mấy chục bộ mà chỉ tốn 200 nghìn USD, mà các tham số kỹ thuật rất tốt. Một số đối tác nước ngoài đã bắt đầu muốn đặt hàng. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Viettel đã làm được 8 loại máy truyền tin khác nhau với công nghệ ở thế hệ thứ tư (loại máy tiên tiến nhất thế giới đang ở thế hệ thứ năm).
- Tham gia vào một lĩnh vực khó và nhiều thử thách, mục tiêu của Viettel là gì?
- Mục tiêu của chúng tôi là tất cả các sản phẩm của Viện Nghiên cứu Viettel phải làm chủ hoàn toàn, đạt tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh và phải rẻ. Những sản phẩm trước đây nước ngoài bán cho mình thì so với người ta đã lạc hậu rồi, người ta làm chủ công nghệ cao hơn và họ bán cái cũ đi, Viettel phải nghiên cứu để rút ngắn khoảng cách. Với mô hình quân sự, chúng tôi áp dung mô hình tác chiến là tất cả các phương tiện phục vụ cuộc chiến phải được kết nối với nhau và có thể điều khiển từ xa. Quân Đội Việt Nam anh hùng sẽ không chỉ gắn với những huyền thoại súng kíp, mã tấu, tầm vông cản quân du kích, mà chúng ta có đủ khả năng, trình độ tiếp cận sản xuất vũ khí, trang thiết bị hiện đại, đủ niềm tin để xông pha trên mặt trận tác chiến điện tử, sẵn sàng ngăn chặn chiến tranh công nghệ cao.
4 việc chính mà Bộ Quốc phòng giao cho Viettel thực hiện gồm: rađar, thông tin quân sự, hệ thống quản lý vùng trời, máy bay không người lái UAV thì trong 2 năm (từ 9/2011 đến nay) cơ bản đã hoàn thành sản phẩm mẫu, đưa ra thử nghiệm tại các đơn vị đạt con số ban đầu là 60%, phấn đấu năm nay đưa vào sử dụng đạt con số 80% như mục tiêu đặt ra. |
Phương Thảo