Ngược thời gian về trước năm 1995, ngoại hành tinh hay các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời đối với nhiều người là khái niệm chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Didier Queloz và Michel Mayor, khi ấy còn là những nhà thiên văn học sinh viên, từng bị coi là "kẻ lập dị" trong cộng đồng khoa học với công trình nghiên cứu được tuyên bố là phát hiện đầu tiên về sự tồn tại của ngoại hành tinh.
"Thật đáng buồn là không ai thích nghiên cứu của họ. Chúng tôi thực sự chỉ tin vào những điều được dạy ở trường", nhà vật lý thiên văn Sara Seager từ MIT, cựu sinh viên Đại học Harvard nhớ lại cuộc tranh cãi vào thời điểm đó. "Mọi người đều phủ nhận phát hiện của Queloz và Mayor. Bạn không thể quan sát thấy hành tinh này, cũng chưa có ai chụp được ảnh của nó, tất cả những gì chúng ta thấy trên bầu trời chỉ là những ngôi sao và ảnh hưởng của chúng".
Để chứng minh phát hiện của mình, Queloz và Mayor đã tự tay chế tạo ra những công cụ để quét bầu trời từ Đài thiên văn Haute-Provence dưới chân dãy núi Alps của Pháp và mất nhiều tháng thu thập dữ liệu về ngoại hành tinh mà họ đặt tên là 51 Pegasi b. Hai nhà nghiên cứu đã nhận thấy những thay đổi nhỏ trong tần số ánh sáng phát ra từ ngôi sao mà họ nghi ngờ có ngoại hành tinh quay quanh.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lại vấp phải một vấn đề khác. Hành tinh mà họ đang quan sát có kích thước quá lớn. Nó có đường kính tương đương sao Mộc nhưng lại nằm rất gần ngôi sao chủ, chỉ bằng 1/20 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
"Chúng tôi cũng ngạc nhiên như mọi người vì hành tinh mà chúng tôi tìm thấy thực sự là một thứ kỳ quái. Nó không phải những gì mà bạn mong đợi về một ngoại hành tinh", Queloz chia sẻ. "Tôi đã thảo luận rất nhiều với Mayor, thậm chí cố gắng chứng minh rằng mình đã sai, đó không phải là một ngoại hành tinh nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn phải nói rằng đó là lời giải thích duy nhất".
Phải mất một thời gian dài sau đó, công trình nghiên cứu của Queloz và Mayor mới có được sự công nhận trong cộng đồng thiên văn học, đánh dấu bước khởi đầu cho lĩnh vực nghiên cứu ngoại hành tinh. Ngày nay, sau gần một phần tư thế kỷ, đã có hơn 4.000 ngoại hành tinh được quan sát thấy và hàng trăm tỷ ngoại hành tinh khác được cho là tồn tại trong vũ trụ.
"Chúng ta luôn mong muốn tìm kiếm nguồn gốc của sự sống và nghiên cứu ngoại hành tinh chính xác là những gì chúng ta cần. Đó là lý do tại sao lĩnh vực này không ngừng phát triển. Ngày nay có khoảng 1.000 nhà khoa học đang nghiên cứu về các ngoại hành tinh, điều đó thật tuyệt vời", Queloz nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo AFP)