Trung Quốc lên kế hoạch phóng tàu vũ trụ để nghiên cứu một tiểu hành tinh và sao chổi năm 2022, Space hôm nay đưa tin. Con tàu sẽ ghé thăm và thu thập mẫu đất đá trên tiểu hành tinh 2016 HO3, hay Kamo'oalewa. Tiếp theo, nó bay về gần Trái Đất và kích hoạt một khoang tàu mang mẫu vật đáp xuống bề mặt hành tinh xanh.
Sau đó tàu vũ trụ sẽ tiếp tục hành trình. Nhờ lực hấp dẫn của Trái Đất và sao Hỏa, con tàu sẽ bay tới Vành đai tiểu hành tinh và di chuyển quanh sao chổi 133P/Elst-Pizarro để nghiên cứu. Đây là một thiên thể đặc biệt trong Vành đai tiểu hành tinh, mang những đặc điểm của cả tiểu hành tinh lẫn sao chổi. Giới khoa học mới chỉ biết đến một số ít thiên thể như vậy.
Bennu, tiểu hành tinh đường kính 500 m được tàu thăm dò OSIRIS-Rex của NASA tiếp cận năm ngoái, cũng nằm trong nhóm thiên thể này. OSIRIS-Rex quan sát được nhiều đợt phun trào bụi từ Bennu, nhưng nguyên nhân gây ra hiện tượng trên vẫn là một bí ẩn.
Kế hoạch của Trung Quốc có thể kéo dài khoảng 10 năm. Trong thời gian đó, con tàu sẽ thu thập nhiều dữ liệu, giúp các nhà khoa học hiểu thêm về thành phần, cấu trúc, quỹ đạo, hình dạng, kích thước và các đặc điểm khác của hai thiên thể này.
Trung Quốc không phải nước duy nhất muốn thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh. OSIRIS-Rex dự kiến mang mẫu đất đá từ Bennu về Trái Đất vào tháng 9 năm 2023. Tàu Hayabusa 2 của Nhật Bản đã lấy được mẫu đất đá từ tiểu hành tinh Ryugu và sẽ trở lại Trái Đất cuối năm 2020. Trước đó, tàu Hayabusa cũng đã mang về một ít mẫu đất đá từ tiểu hành tinh Itokawa năm 2010.
Trung Quốc cũng dự định thu thập mẫu đất đá trên Mặt Trăng. Theo kế hoạch, tàu vũ trụ Hằng Nga 5 sẽ được phóng vào tháng 12 năm nay để thực hiện nhiệm vụ này.
Thu Thảo (Theo Space)