Sáng 14/5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019. Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và 100 trí thức là các nhà khoa học đã đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế, giải thưởng Hồ Chí Minh, Kovalevskaia, nhà giáo... tham dự sự kiện.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò của các trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Đội ngũ tri thức khoa học công nghệ đã đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhiều công trình khoa học đã góp phần quan trọng thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học xã hội đã để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình của đất nước, trong đời sống xã hội và góp phần vào sự phát triển của khoa học thế giới.
Dù vậy, ông Thưởng cho rằng việc huy động tiềm năng tri thức vào sự nghiệp phát triển đất nước vẫn còn thấp so với nhu cầu. Ông mong muốn giới trí thức đóng góp nhiều hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn.
Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ chăm lo xây dựng phát triển đội ngũ trí thức, xây dựng các chính sách khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định thời gian qua Bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều chính sách nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi, hạ tầng khoa học công nghệ đã được đầu tư nâng cấp, viện nghiên cứu tiên tiến, chương trình nghiên cứu trọng điểm, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành... là cơ sở để các nhà khoa học yên tâm cống hiến.
Ghi nhận những đóng góp của trí thức nước nhà, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ ra kết quả từ những công trình nghiên cứu đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn các nhà khoa học sáng tạo hơn nữa, cần có nhiều nhà khoa học giỏi trong các viện nghiên cứu, các kỹ sư trong các doanh nghiệp... để tiếp tục nhân rộng kiến thức vào thực tế.
Nhà khoa học kiến nghị
Tại sự kiện, các nhà khoa học cũng đưa ra kiến nghị cụ thể để thuận lợi hơn trong nghiên cứu, tiếp cận được công nghệ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, nhanh chóng làm chủ công nghệ tạo ra các sản phẩm ứng dụng rộng.
Theo GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, để Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực, trong đó có sự đóng góp lớn của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã đóng góp 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 30%.
Tuy nhiên để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, đưa Việt Nam thành một trong 10 nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, GS Lan đại diện đề xuất Nhà nước cần có chính sách cụ thể, khả thi trong đào tạo cán bộ khoa học công nghệ theo tinh thần "thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệm" để có một đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp có đủ phẩm chất và năng lực để tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiến tiến của thế giới cũng như sáng tạo ra các công nghệ mới mang thương hiệu của Việt Nam.
"Gắn đào tạo, chuyển giao công nghệ với khởi nghiệp" GS Lan nói và đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp nông nghiệp ở tầm quốc gia. Ở những trường đại học cũng cần có các chương trình để hỗ trợ vận hành những trung tâm này, quy tụ đội ngũ nghiên cứu khoa học tốt. Cần quan tâm nhiều hơn đến các nghiên cứu nền tảng, dẫn đường, khai sáng, các nghiên cứu đỉnh cao, tạo ra công nghệ nguồn, tạo ra đổi mới ở Việt Nam.
PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, trong cách mạng công nghiệp 4.0, trong trào lưu chuyển đổi số, nơi công nghệ tiên tiến lan tỏa đến khắp thế giới, vấn đề chính không phải là làm thế nào để tiếp cận mà là làm thế nào để nhanh chóng làm chủ được công nghệ, từ đó kết hợp với các ý tưởng đột phá để tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có giá trị, góp phần để phát triển mạnh mẽ đất nước.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát triển, chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ với sản phẩm, dịch vụ còn tương đối đơn giản và đa phần dừng lại ở mức độ gia công. Gần đây cũng có sự xuất hiện của một số tập đoàn lớn với sự vươn lên mạnh mẽ như Viettel, Vingroup hay FPT..., tuy nhiên đến thời điểm hiện tại có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, các trường đại học, nơi không chỉ đóng góp những ý tưởng đột phá, đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng và sức trẻ, hạt nhân của cả hệ sinh thái khoa học công nghệ.
PGS Tùng đề nghị đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao, không những có khả năng thích ứng, tự lực để phát triển được công nghệ để sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ tiên tiến là yếu tố sống còn cho việc bắt kịp và vượt lên trong xu hướng chuyển đổi số. "Nguồn nhân lực trình độ cao này yêu cầu phải được tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, được tham gia vào các đề tài nghiên cứu trong suốt quá trình học để có thể học thông qua trải nghiệm và giải quyết vấn đề", PGS Tùng nói.
Bich Ngọc - Phan Minh