
Mẫu máu lấy từ xác ngựa non 42.000 năm. Ảnh: Siberian Times.
Mẫu máu lấy từ xác con non của loài ngựa Lenskaya tuyệt chủng từ lâu được cho là máu cổ nhất thế giới, mở ra hy vọng hồi sinh những con ngựa tiền sử. Nhóm nhà khoa học quốc tế cũng hy vọng có thể nhân bản voi ma mút từ vật chất di truyền đông cứng dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu.
Theo tiến sĩ Semyon Grigoryev, giám đốc Bảo tàng voi ma mút ở Yakutsk, kết quả khám nghiệm xác ngựa non cho thấy các cơ quan nội tạng trong tình trạng bảo quản tốt. Con ngựa non chết đuối khi chưa đầy hai tuần tuổi. Xác ngựa non được khai quật ở miệng hố Batagaika vào mùa hè năm ngoái và mẫu máu được lấy hôm 28/2.
Quá trình khai quật xác ngựa non. Video: Siberian Times.
"Mẫu máu lỏng được lấy từ mạch máu tim và bảo quản ở trạng thái lỏng suốt 42.000 năm nhờ điều kiện môi trường thuận lợi và lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Mô cơ vẫn giữ được màu đỏ tự nhiên. Giờ đây, chúng tôi có thể khẳng định đây là xác động vật kỷ Băng hà nguyên vẹn nhất từng được tìm thấy trên thế giới", tiến sĩ Grigoryev nói.
Tiến sĩ Grigoryev tiết lộ con ngựa non này là một ngoại lệ đặc biệt do không có bất kỳ tổn thương dễ thấy nào. Trường hợp như vậy vô cùng hiếm gặp đối với các phát hiện cổ sinh vật học, bởi chúng có thể không hoàn chỉnh, bị vỡ thành nhiều mảnh, cơ thể biến dạng nghiêm trọng hoặc trở thành xác ướp từ lâu. Lông của con ngựa non vẫn bao phủ đầu, cẳng chân và một phần cơ thể nó. Phần bờm và đuôi có màu đen, phần còn lại của cơ thể có màu hồng. Bộ lông còn nguyên vẹn cũng gây bất ngờ cho nhóm nghiên cứu bởi tất cả xác ngựa cổ đại trước đó đều không có lông.
Các nhà khoa học Nga đang hợp tác với nhóm chuyên gia đến từ Hiệp hội nghiên cứu công nghệ sinh học Hàn Quốc. Theo nghiên cứu của họ, con ngựa non chỉ 1 - 2 tuần tuổi, do đó nó mới chào đời không lâu trước khi chết. Nguyên nhân cái chết là do con ngựa bị chìm dưới bùn. Lớp bùn sau đó đông cứng và trở thành đất đóng băng vĩnh cửu. Con ngựa non nuốt vào nhiều bùn sình trong những giây cuối đời và dấu vết vẫn còn lưu lại ở dạ dày - ruột của nó.
An Khang (Theo Siberian Times)