Sáng 29/1, gặp mặt hơn 300 trí thức, nhà khoa học tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự phát triển của đất nước hiện nay có đóng góp to lớn của đội ngũ này.
Trao đổi với các trí thức, Thủ tướng thừa nhận chính sách kinh tế, thuế... với khoa học công nghệ còn bất cập. Chính phủ sẽ tiếp thu và điều chỉnh để "cởi trói cho khoa học công nghệ". Rủi ro trong nghiên cứu khoa học cũng sẽ được chấp nhận.
"Đội ngũ trí thức trong và nước ngoài đang phát triển mạnh. Đó là tiềm lực vô cùng to lớn mà không phải dân tộc nào cũng có được. Đảng, Nhà nước luôn mong muốn phát huy tốt nhất tiềm năng quan trọng này để trở thành nguồn lực, sức mạnh cho phát triển đất nước", Thủ tướng phát biểu.
Ông bày tỏ sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để đối thoại, lắng nghe ý kiến phản biện từ các nhà khoa học về thể chế, chính sách.
"Đảng, Nhà nước luôn coi trọng đội ngũ trí thức, nhân tài. Không có nhân tài thì không thể phát triển được đất nước, nhưng có nhân tài rồi mà không trọng dụng thì sẽ khiến đất nước suy yếu", Thủ tướng nói.
Khi tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đã mang đến thông điệp khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đổi mới, sáng tạo. Tại đây, Việt Nam đã ký với WEF thoả thuận xây dựng Trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 để kết nối với các trung tâm khác như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ.
Vì vậy, Thủ tướng mong muốn đội ngũ trí thức, khoa học trong và ngoài nước cùng chung tay đóng góp vào khát vọng đưa Việt Nam thành quốc gia có thu nhập cao, "dân ta giàu hơn, nước ta mạnh hơn". Ông lưu ý, trong tương lai xa, trí thức sẽ đóng vai trò rất lớn để Việt Nam vươn lên làm chủ năm không gian: đất, nước, trời, vũ trụ, mạng. Trí thức, nhà khoa học cần tập trung vào lĩnh vực: biến đổi khí hậu; an toàn, an ninh năng lượng; chăm sóc con người; nông nghiệp; khoa học xã hội.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ có đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật từ Trung ương tới địa phương.