Nhiệt độ kỷ lục trên khắp thế giới trong hai tuần qua có thể biến tháng 7/2019 thành tháng nóng nhất, theo các nhà khoa học khí tượng. Trong nửa đầu tháng 7, giới chuyên gia thời tiết ghi nhận nhiệt độ cao bất thường ở vùng cực thuộc Canada, hạn hán kéo dài ở Chennai và Harare, những đám cháy rừng khiến hàng nghìn người đi nghỉ mát phải bỏ lều trại ở miền nam nước Pháp, không quân Indonesia phải điều máy bay phun hóa chất lên mây để kích thích mưa.
Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài tới cuối tháng, tháng 7/2019 đạt nhiệt độ trung bình cao hơn 0,025 độ C so với kỷ lục trước đó của tháng 7/2017, theo tính toán của Karsten Haustein, nhà khoa học khí tượng ở Đại học Oxford. Dự đoán này được đưa ra sau khi dữ liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và hệ thống theo dõi qua vệ tinh Copernicus của châu Âu xác nhận tháng 6/2019 là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử.
"Điều này rất đáng lưu ý. Nhưng cần chờ xem số liệu trong tháng 7. Tháng 7 là tháng nóng nhất trong năm trên toàn cầu. Nếu đúng như dự đoán, tháng 7 năm nay sẽ trở thành tháng nóng nhất mà chúng tôi đo được trên Trái Đất", Michael Mann, giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất ở Đại học Pennsylvania, nhận xét.
Các nhà khoa học nhấn mạnh dự đoán này chưa chắc chắn bởi những điều kiện có thể thay đổi ở nửa cuối tháng, nhưng nó góp phần chỉ ra xu hướng nhiệt độ gia tăng do lượng thải khí carbon dioxide ngày càng cao từ nhà máy điện, chặt phá rừng, xe hơi, máy bay và nhiều nguồn khác. Mann ước tính khả năng tháng 7/2019 lập kỷ lục mới là 50%. Về lâu dài, các kỷ lục sẽ liên tục bị phá vỡ. 9 trong 10 năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận từ sau năm 2000, theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ. Dữ liệu từ 6 tháng đầu năm nay cho thấy năm 2019 có 99,9% khả năng xếp trong top 5 năm nóng nhất.
Trong các sự kiện thời tiết bất thường gần đây, có lẽ đáng chú ý nhất là nhiệt độ ở vùng Alert, Nunavut, Canada, lên tới 21 độ C hôm 14/7. Thông thường, nhiệt độ ở thời điểm này trong năm tại vùng đất thuộc Bắc Cực này luôn dưới 0 độ C. Tháng trước, kỷ lục nhiệt độ nóng nhất ở Pháp cũng bị phá vỡ trong đợt nắng nóng kéo dài.
Nhiệt độ gia tăng cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về ảnh hưởng tới sức khỏe. Hôm 16/7, Tổ chức Chữ thập Đỏ đưa ra hướng dẫn đối phó với nắng nóng để giúp các nhà quy hoạch đô thị giảm thiểu nguy cơ. Những đợt nắng nóng trước đây từng khiến hàng chục nghìn người tử vong, bao gồm 2.500 người ở Ấn Độ năm 2015 và 70.000 người ở châu Âu năm 2003.
An Khang (Theo Guardian)