Henry Jacobs chụp bức ảnh khi đi dạo dọc kênh đào Lee Valley ở khu phố Haringey, London. Chứng kiến hành vi tha túi nylon rồi hối hả bò đi của con sóc, Jacobs biết đó là lúc anh cần ghi lại khoảnh khắc. Jacobs cũng chia sẻ, thoạt nhìn, anh không biết con sóc đang làm gì hay tại sao nó lại muốn thu thập những chiếc túi nylon.
Tuy nhiên, hành vi thu thập rác thải nhựa để xây tổ của sóc được phát hiện lần đầu tiên năm 2018 bởi tiến sĩ Mewa Singh ở Phòng thí nghiệm tâm lý sinh vật học thuộc Đại học Mysore, bang Karnataka, miền nam Ấn Độ. Singh quan sát hành vi này ở sóc cọ Ấn Độ. Nghiên cứu của ông chỉ ra sóc sử dụng túi nylon, mẩu nhựa và đầu thuốc lá làm vật liệu xây tổ ở các khu đô thị thay cho lá, cành khô, vỏ cây, rêu và những vật liệu mềm khác. Nhà nghiên cứu từng bắt gặp sóc lấy tấm nhựa từ một bãi rác nhỏ, kiểm tra cẩn thận trước khi cắn thành nhiều mảnh với kích thước phù hợp.
Theo ước tính năm 2018 của trang EarthDay.org, 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, bao gồm 236.000 tấn vi nhựa có kích thước nhỏ hơn móng tay người. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính có tới 5,25 nghìn tỷ mẩu vi nhựa trôi nổi trong đại dương, phần nhiều trong số đó bị động vật biển như cá heo, cá voi, rùa nuốt phải và nằm trong đường tiêu hóa của chúng.
An Khang (Theo NY Post)