AI, hay trí tuệ nhân tạo là một thuật ngữ xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam gần đây. Hiểu một cách đơn giản, đây là công nghệ mô phỏng quá trình suy nghĩ, học hỏi của con người cho máy móc.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tại khai mạc AI4VN sáng 15/8, ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, thể hiện rõ nhất ở các sản phẩm có hàm lượng AI ngày càng xuất hiện nhiều.
Khẳng định lại tại phiên trọng thể của Ngày hội vào sáng 16/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo thế giới tăng trưởng 70% chỉ sau một năm, Việt Nam sẽ không đứng ngoài xu hướng này. Bộ cũng xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn trong 4.0. Trong thời gian tới, Bộ sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới tri thức AI người Việt tại một số quốc gia khác, thành lập quỹ global fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa đưa tri thức của người Việt vươn ra thế giới.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh kỳ vọng sự kiện AI4VN sẽ là nơi kết nối, tụ hội, chia sẻ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hình thành cộng đồng AI Việt Nam.
AI đang được ứng dụng như thế nào tại Việt Nam
Với việc lần đầu tiên có một sự kiện lớn về chủ đề AI, các doanh nghiệp xuất hiện tại Ngày hội đã trình diễn những công nghệ AI họ đang sở hữu trước gần 3.000 khán giả, chuyên gia, khách mời.
Sau 6 năm tập trung nghiên cứu, FPT hiện được xem là một trong những doanh nghiệp đi đầu về AI ở trong nước. Trong bài tham luận tại sự kiện, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn cho hay, các ứng dụng AI của FPT đang triển khai gồm hệ thống giao thông thông minh tại TP HCM, xe tự hành cấp độ 3 tự di chuyển tránh vật cản. Ngoài ra, FPT đã xây dựng hệ thống AI dựa trên giác quan con người. Ứng dụng trợ lý ảo FPT hiện có 5 triệu yêu cầu AI mỗi tháng, 500.000 người dùng cuối trên hệ thống, 27.000 lập trình viên sử dụng.
Một doanh nghiệp đi đầu khác về AI là Tập đoàn Viettel. Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, AI đã được ứng dụng tại tập đoàn trong nhiều lĩnh vực đa dạng như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử...
AI trong y tế giúp đẩy thời gian chẩn đoán nhanh gấp 5 lần so với phương pháp truyền thống, độ chính xác lên đến 90%. AI trong quản lý rừng, nông nghiệp giúp thống kê diện tích rừng, tình trạng rừng với độ chính xác 80%, phản ứng kịp thời gấp 5 lần. Giải pháp chống tấn công từ chối dịch vụ của Viettel có thể giám sát 24/7, phát hiện 100% cuộc tấn công, với chi phí tiết kiệm khoảng 90%, thấp hơn 0,1 % so với chi phí trả chuyên gia. Giải pháp này từng được giới thiệu ở hội nghị nước ngoài và được cộng đồng quốc tế đón nhận.
Không chỉ tập trung giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp, AI cũng có thể được sử dụng trong các vấn đề của xã hội. Đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin Tạ Hải Tùng cho biết, Viện đang triển khai một sản phẩm giám sát trường học, tập trung về di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại. Công nghệ AI tối ưu do Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu và phát triển có thể phân tuyến đường, thực hiện đưa đón cho 4.000 học sinh mỗi ngày.
Hệ thống này còn giúp điểm danh tự động, báo đón, báo trả, báo đến trường cho phụ huynh thông qua ứng dụng trên điện thoại; sử dụng công nghệ camera nhận dạng, RFID và GPS. Ứng dụng này đã đưa vào triển khai từ tháng 5/2019 tại một trong những hệ thống giáo dục lớn nhất toàn quốc. "Với ứng dụng này, chúng ta có thể ngăn chặn những sự việc đáng tiếc như ở Hà Nội mới đây", PGS Tạ Hải Tùng nói.
Những người xuất sắc ra nước ngoài làm việc và không trở về
Dù nhiều cơ hội, lĩnh vực AI vẫn đối mặt với không ít thách thức, trong đó lớn nhất là nguồn nhân lực. "Đây đang là thách thức với FPT khi thị trường khan hiếm người làm AI. Những người xuất sắc nhất Việt Nam thường đi nước ngoài và không trở về", ông Lê Hồng Việt nói.
Ngay cả Tập đoàn về công nghệ cũng thiếu nhân sự, do đó không ngạc nhiên khi đại diện từ ngân hàng Vietinbank – ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết doanh nghiệp không có cơ hội sở hữu nguồn nhân sự chất lượng. Trong khi đó, Vietinbank đang có nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn để giải quyết các bài toán AI trong sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ, tháng 10, 11 tới ngân hàng sẽ ứng dụng sinh trắc học để phân loại khách hàng tại quầy.
Giải quyết vấn đề này, đại diện Vietinbank mong muốn đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu tận dụng nguồn nhân lực tại các trường. Ông Bùi Hải Hưng - đại diện Viện nghiên cứu về AI của Tập đoàn Vingroup - VinAI cũng đồng tình với ý kiến của đại diện Vietinbank. "Đào tạo tài các trường đại học là cơ sở nòng cốt, mấu chốt để giải quyết vấn đề nhân lực. Chúng ta nên tập trung vào vấn đề con người - trước hết là giáo viên. VinAI có định hướng hỗ trợ các trường đại học về lĩnh vực nghiên cứu, giúp đỡ các giảng viên hứng thú với vấn đề nghiên cứu, tiếp cận với thế giới", đại diện Vin AI cho biết.
Đem đến câu chuyện bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ Hàn Quốc, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cho biết nước này đã thành lập nhiều trung tâm đào tạo chuyên sâu về AI ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Ngay các doanh nghiệp cũng tự mở cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Chính phủ hỗ trợ chính sách về việc ứng dụng AI, tạo tiền đề thu hút nhiều nhân tài, tham gia vào tiến trình này.
Nhờ đó, Hàn Quốc đã thu được nhiều thành tựu. Tại đây, AI hiện diện mạnh mẽ trong sản phẩm của những tập đoàn nổi tiếng như Samsung, LG. Hàn Quốc chỉ cách biệt khoảng 1,4 năm so với trình độ AI của Mỹ. Thị trường AI trong nước đạt giá trị khoảng 2,2 tỷ won vào năm 2018.
Phát triển AI - con người là nguồn lực quan trọng nhất
Cũng nói về nguồn nhân lực, bài tham luận của một nhân vật đặc biệt – ông Peter Vesterbacka, cha đẻ của trò chơi Angry Birds thu hút sự chú ý của đông đảo đại biểu trong khán phòng.
Đến từ Phần Lan, ông tự nhận đất nước mình không có tài nguyên gì ngoài dân số 5 triệu người. "Chúng tôi thấy con người là nguồn tài nguyên quý giá nhất. Phần Lan đầu tư vào giáo dục ngay sau khi giành độc lập", Peter Vesterbacka nói.
Ông cũng đưa ví dụ về hai con của mình, các bé chỉ học nửa ngày, nửa ngày còn lại để chơi, sáng tạo nhưng kết quả đạt được vẫn rất cao. Theo ông, kéo dài thời gian học chưa chắc đã hiệu quả, quan trọng là học như thế nào. Ông cho rằng, hệ thống giáo dục phải giúp học sinh phát huy sự sáng tạo, là cái nôi thúc đẩy sự sáng tạo nuôi dưỡng sự sáng tạo để đổi mới. Ông tin cách thức để đối phó với tương lai là nâng cao kỹ năng của con người, phát huy sự sáng tạo, tưởng tượng.
"Giáo dục sáng tạo càng quan trọng trong thời đại 4.0. Nhờ có giáo dục sáng tạo, Phần Lan có những sản phẩm nổi tiếng thế giới" ông nhận định. AI và trí tuệ nhân tạo cũng không nằm ngoài bức tranh đó.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Trí tuệ nhân tạo sẽ đưa Việt Nam đi lên
Phát biểu tổng kết sự kiện, Phó Thủ tướng gọi những người đang làm trí tuệ nhân tạo là bạn bè và gửi lời cảm ơn đến đóng góp của cộng đồng AI trong nước, những chuyên gia và doanh nghiệp tiên phong phát triển AI.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, sự kiện hôm nay có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự quan tâm, kết hợp của các bộ ngành: "Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế xã hội để đưa Việt Nam phát triển", ông nói.
Ông gửi lời cảm ơn các diễn giả, không chỉ đưa ra những khuyến nghị, bài học cho Việt Nam, mà còn là sự động viên, giúp đỡ Việt Nam cùng phát triển công nghệ nói chung, AI nói riêng.
Theo Phó thủ tướng, khoa học công nghệ nói chung đã phát triển vượt bậc. Thế giới đã thay đổi, minh bạch hơn, kết nối hơn với mối liên kết giữa con người, máy móc, Chính phủ, doanh nghiệp, trường học..., cùng nguồn dữ liệu lớn sẽ thúc đẩy AI phát triển.
"Thời đi học, từ robot gốc có nghĩa là nô lệ, phục vụ. Nhưng ngày nay, AI phải vì con người, phục vụ con người, chứ không phải thay thế hay cai trị con người", Phó Thủ tướng nói và nhìn nhận Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với các nước. "Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn. Muốn vượt lên, công nghệ thông tin, khoa học, AI là công cụ mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng có thể qua đi", ông nói.
Xem diễn biến chính