![]() |
Philippe Semmelweis. |
Tệ hơn, những người hiếm hoi đã tiến hành thực nghiệm cũng phản đối kết quả đưa ra. Tại Vien, chỉ có 5 bác sĩ tiếng tăm, trong đó có Skoda là ủng hộ tiến trình có tính cách mạng này. Vụ việc lan rộng ra cả thành phố, tất cả các bệnh nhân cũng như y tá chửi rủa Semmelweis. Một cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra ở Viện hàn lâm khoa học về việc sử dụng hay không phương pháp rửa tay qua nước vôi. Dù gì đi chăng nữa cũng đã quá muộn. Ngày 20/3/1849, bị cách chức lần thứ hai và lần này thậm chí Semmelweis còn bị cấm sinh sống ở Vien.
Ngay sau cuộc cách mạng tháng 12/1848, Semmelweis phải trở về tị nạn ngay tại chính thành phố Budapest quê hương. Một người bạn của ông sau này đã gửi thư tới Skoda: "Cuối cùng, tôi đã tìm thấy người bạn thân thiết của chúng ta vẫn còn sống... Nét suy tư đã hằn lên gương mặt ông và tôi luôn lo ngại cho ông... Ông không hề nói với tôi bất cứ điều gì về nỗi khó chịu trong lòng, cũng như chẳng đả động đến những công trình của ông ở Vien mà tiếp tục sống thầm lặng". Skoda, người bảo trợ của ông ở Vien đã cố gắng tìm cho ông một vị trí trợ lý thứ nhất tại Viện sản Pest. Nhưng ông đã không đến đó, thậm chí với tư cách là thăm viếng xã giao. Một người ở thành Vien khác vốn có người mẹ thoát khỏi cái chết do sốt sản đã biết đến căn bệnh trầm nhược của ông và hiểu rằng chẳng có gì có thể làm cho ông vui trở lại.
Rồi sau đó là câu chuyện buồn thảm của một sinh viên đến từ Kiel: "Tôi là học trò của giáo sư Michealis, một bác sĩ đỡ đẻ hàng đầu ở Kiel... Ông ta đã tự sát trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Ngay sau khi đỡ đẻ cho một người em họ, người này đã chết vì sốt sản... Giáo sư Michealis nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình bởi trước đó ông đã điều trị một số bệnh nhân mắc sốt sản. Tuy nhiên, ông ta đã không làm các động tác rửa tay cần thiết mặc dầu cũng biết điều đó".
Chính bức thư về cái chết này đã khiến Semmelweis sốc và ông nhận lời làm việc tại bệnh viện Budapest. Đồng ý nhưng với một điều kiện những chuyện ầm ĩ như ở Vien sẽ không được tái diễn. Được tiếp đón đàng hoàng, Semmelweis trong hơn 4 năm sau đó đã ngầm soạn một cuốn sách quan trọng: Nguyên nhân của căn bệnh sốt sản. Trong suốt thời gian đó, ông luôn vệ sinh tay sạch sẽ trước khi khám cho bệnh nhân. Ông cũng liên lạc với các bác sĩ đỡ đẻ hàng đầu ở nước ngoài nhưng họ chẳng buồn trả lời những bức thư của ông. Sau khi trưởng khoa sản của bệnh viện chết, Semmelweis lên thay.
Chân lý được công nhận
"Tôi mong muốn phát hiện của tôi có được vị trí đáng có của nó. Đáng buồn thay, khám phá này lại phụ thuộc vào những người đỡ đẻ. Tôi coi tất cả những người chống lại phương pháp nhằm tránh căn bệnh sốt sản là những kẻ giết người... Không cần phải đóng cửa nhà hộ sinh mà cần cấm cửa những người đỡ đẻ ở trong đó, bởi vì chính họ mới thực sự là những ổ dịch...", ông viết trong một bức thư ngỏ tới các bác sĩ sản khoa.
Câu chuyện lại ồn ào trở lại, những trận khẩu chiến tiếp tục. Những âm mưu bắt đầu hình thành. Một trong số sinh viên của Semmelweis đã trốn sang Pháp để bảo vệ thành quả của người thày trước Viện hàn lâm khoa học của nước này. Rất nhanh, chân lý đã được thừa nhận. Verdic de Dubois, chuyên gia sản khoa người Paris đã nói về "thuyết của Semmelweis" như sau: "Đây là một thuyết có những nguyên lý rất tốt nhưng việc áp dụng chi tiết có những khó khăn. Thí dụ ở Paris, cách ly hoàn toàn nhân viên của bệnh viện trong hầu hết thời gian trong năm là điều không khả thi. Vả lại, kết quả thu được chưa chắc chắn lắm".
Trong 7 năm còn lại của cuộc đời, giáo sư "bị nghỉ việc" Philippe Ignace Semmelweis luôn lải nhải về "sự ngu xuẩn" của người đời. Ông sống thu mình lại. Tháng 7/1865, ông yêu cầu những người làm nghề đỡ đẻ phải thề trước trường đại học Budapest. Ông chết vào ngày 16 tháng 8 cùng năm đó trong một bệnh viện tâm thần.
Khoảng 12 năm sau đó, những khám phá của Pasteur ra đời. Người ta bắt đầu thương tiếc Semmelweis nhưng mọi chuyện đã qua. Trường đại học Budapest đã mang tên ông, khắp châu Âu có các khóa học về Semmelweis trong đó giảng dạy "chiến lược toàn cầu về vệ sinh và vô trùng bệnh viện". Tất nhiên, tất cả điều đó vì Semmelweis.
Tia sáng (theo La Recherche)