Những lục địa ngày nay trên Trái Đất có nguồn gốc từ siêu lục địa Pangea. Pangea tách ra thành hai phần nhỏ hơn là Laurasia ở phía bắc và Gondwana ở phía nam. Mảng kiến tạo hướng lên phía bắc sau này tạo thành châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Mảng trôi về phía nam tạo thành châu Phi, Nam Cực, Nam Mỹ và Australia. Các nhà nghiên cứu phát hiện lục địa thứ 8 tách ra từ Gondwana có tên Greater Adria.
Nghiên cứu công bố hôm 3/9 trên tạp chí Gondwana Research chỉ ra các lực địa chất chậm rãi đẩy lục địa lớn cỡ Greenland chìm xuống biển ở phía nam châu Âu cách đây 100 - 120 triệu năm. Trước đó, lục địa này đã ngập một nửa dưới nước. Nhưng trong lúc Greater Adria sụp dần về phía lớp phủ của Trái Đất, tầng đất trên cùng bị xô đi và đùn lên tạo thành những ngọn núi rải rác ở 30 nước châu Âu ngày nay.
Để tìm hiểu quá khứ của Greater Adria, Douwe van Hinsbergen, tác giả chính của nghiên cứu ở Đại học Utrecht, và cộng sự mất một thập kỷ tập hợp dữ liệu địa chất từ các nước trên khắp châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Nam châm tự nhiên trong vỏ Trái Đất giúp nhóm nghiên cứu theo dõi chuyển động của mảng kiến tạo 240 triệu năm.
Khi dung nham nóng chảy nguội dần ở ranh giới giữa hai mảng kiến tạo dịch chuyển, nó lưu giữ đá chứa khoáng chất có từ tính. Những khối đá nằm thẳng theo phương của từ trường Trái Đất, cho phép các nhà khoa học tính toán vị trí nam châm trên hành tinh cách đây hàng triệu năm.
Nhóm nghiên cứu xem xét đá từ ở 2.300 địa điểm cổ đại khắp vùng Địa Trung Hải. Sau đó, họ sử dụng dữ liệu để tạo mô phỏng trên máy tính về chuyển động của các mảng kiến tạo Trái Đất trước, trong và sau khi Greater Adria chìm xuống lớp phủ.
Các nhà nghiên cứu kết luận lục địa mất tích tách thành châu Phi ngày nay cách đây 220 triệu năm rồi tiếp tục vỡ thành bán đảo Iberia 40 triệu năm sau. Nhưng khoảng 140 triệu năm trước, Greater Adria chắc chắn là một chuỗi quần đảo.
Vào thời kỳ đó, Adria có thể trông giống Zealandia ngày nay, tiểu lục địa nằm dưới Đảo Bắc và Đảo Nam. Chỉ 7% diện tích Zealandia ở trên mực nước biển. Cách đây 100 - 120 triệu năm, chuyển động của các mảng kiến tạo trên Trái Đất đẩy Greater Adria xuống lớp phủ với điểm sâu nhất nằm ở 1.500 km bên dưới Hy Lạp, theo van Hinsbergen.
Kết quả nghiên cứu giúp tái hiện lịch sử địa lý của thế giới, đồng thời xác định và khai thác khoáng sản có giá trị. Tái tạo địa chất cũng giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự hình thành các mỏ khoáng sản và quặng kim loại hiện nay.
An Khang (Theo Business Insider)