Theo IFL Science, các nhà khoa học thuộc Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) và Phòng thí nghiệm môi trường biển Thái Bình Dương (PMEL) lần đầu tiên đặt một đầu dò âm thanh bọc titan ở đáy khe vực Mariana tại Thái Bình Dương. Thiết bị dò âm thanh ghi lại tiếng ồn xung quanh trong khoảng ba tuần ở độ sâu gần 11.000 m dưới mực nước biển và cung cấp nhiều kết quả đáng kinh ngạc.
"Bạn sẽ nghĩ rằng phần sâu nhất của đại dương là một trong những nơi yên tĩnh nhất trên Trái Đất", Robert Dziak, nhà hải dương học tại NOAA kiêm giám đốc khoa học của dự án, cho biết. "Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Có những tiếng ồn thường trực đến từ cả hai nguồn tự nhiên và nhân tạo. Chúng bao gồm âm thanh của các vụ động đất ở gần và xa, tiếng kêu đặc trưng của cá voi và tiếng ồn ào của cơn bão tình cờ quét qua bên trên".
"Nhiều tiếng ồn đến từ các con tàu đi lại bên trên và chúng có thể được phân biệt rõ ràng nhờ âm thanh do chân vịt tạo ra", Dziak nói.
Nghiên cứu này nằm trong dự án kiểm tra sự thay đổi tiếng ồn ở nhiều địa điểm trên Trái Đất theo thời gian. Tuy nhiên, độ sâu 11.000 mét dưới đại dương là một thử thách đặc biệt khó khăn.
"Chúng tôi chưa bao giờ đặt một đầu thu ở độ sâu hơn 1,6 km, vì vậy công việc lần này gặp nhiều khó khăn", Haru Matsumoto, người phát triển các công cụ đặc biệt cho nghiên cứu, chia sẻ. "Đầu dò âm thanh được thả xuống khe vực với tốc độ không quá 5 m/s. Ở tốc độ cao hơn, lớp vỏ gốm bảo vệ phía ngoài đầu dò có thể sẽ vỡ".
Kết quả thu được rất xứng đáng với những nỗ lực mà nhóm nghiên cứu bỏ ra. Dziak và đồng nghiệp phân tích âm thanh thu thập trong ba tuần, sau đó tách lọc tiếng ồn tự nhiên và tiếng ồn nhân tạo. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc thám hiểm khác vào năm 2017 để thu thập âm thanh trong thời gian dài hơn, đồng thời gắn camera để ghi lại hình ảnh dưới đáy đại dương sâu thẳm.
Thanh Tùng