Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển lúc 16h50, ngày 9/10 (giờ Hà Nội) đã công bố chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học năm 2019, vinh danh ba nhà khoa học John B. Goodenough, M. Stanley Whittingham và Akira Yoshino với những đóng góp trong phát triển pin lithium-ion. Các nhà nghiên cứu sẽ cùng chia sẻ giải thưởng trị giá hơn 900.000 USD.
Pin Lithium-ion đã cách mạng hóa cuộc sống hiện đại. Nó được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động, laptop đến xe điện. Các nhà khoa học đoạt giải năm nay đã đặt nền tảng cho một xã hội không dây, không nhiên liệu hóa thạch.
Lithium ion là loại pin nhẹ đầu tiên, tạo điều kiện cho sự ra đời của các thiết bị điện tử nhỏ gọn như điện thoại di động hay máy tạo nhịp tim. Ba nhà khoa học đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển pin lithium ion.
Đầu những năm 1970, khi phát triển pin lithium đầu tiên, giáo sư Stanley Whittingham ở Đại học Birmingham đã tận dụng năng lượng khổng lồ của lithium để giải phóng electron lớp ngoài.
Giáo sư John Goodenough tại Đại học Texas đã tìm ra cách tăng gấp đôi điện thế của pin lithium, tạo ra một loại pin mạnh và hữu dụng hơn rất nhiều. Giáo sư Akira Yoshino ở Đại học Meijo thành công trong việc loại bỏ lithium tinh khiết khỏi pin và dựa hoàn toàn vào các ion lithium an toàn hơn so với lithium tinh khiết. Điều này làm cho pin dễ sử dụng hơn trong thực tế.
Nobel Hóa học là giải thưởng thứ ba được công bố sau Nobel Y sinh và Vật lý. Vào các ngày mùng 10, 11 và 14/10, Ủy ban Nobel sẽ lần lượt công bố chủ nhân của những giải còn lại thuộc lĩnh vực Văn học, Hòa bình và Kinh tế.
Năm 2018, giải Nobel Hóa học vinh danh Giáo sư Frances Arnold (Mỹ), cùng hai nhà khoa học George Smith (Mỹ) và Gregory Winter (Anh) cho các công trình nghiên cứu về kiểm soát quá trình tiến hóa, biến đổi và chọn lọc gene, cho phép phát triển các protein và kháng thể mới, có thể ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học và dược phẩm giúp giảm thiểu bệnh tật và cứu sống tính mạng nhiều bệnh nhân.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế. Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng. Từ năm 1901-2017, giải thưởng đã được trao 585 lần cho 923 cá nhân và tổ chức trên thế giới. |
Ban Khoa học