Theo Live Science, những mẫu vật mực khổng lồ (Architeuthis dux) được phát hiện từ năm 1639 khi trôi dạt vào bờ. Tuy nhiên, loài thủy quái này khéo ẩn mình đến mức giống một sinh vật trong truyền thuyết hơn cho đến khi những bức ảnh chụp mực khổng lồ sinh sống trong môi trường tự nhiên xuất hiện vào năm 2004.
Từ khi phát hiện mực khổng lồ, giới nghiên cứu đưa ra nhiều suy đoán về kích thước mà loài này có thể đạt tới. Trong phân tích trên 130 mẫu vật trước đây, các nhà khoa học cho biết không mẫu vật nào có chiều dài vượt quá 13 m. Những nghiên cứu trước đó cũng ước tính hàng trăm nghìn con mực khổng lồ có thể sống ở đại dương và khả năng bắt gặp loài này lớn hơn so với quan niệm thông thường, theo Charles Paxton, nhà sinh thái học và thống kê học ngành ngư nghiệp ở Đại học St Andrews, Scotland.
Phân tích số liệu của Paxton chỉ ra loài mực khổng lồ có thể đạt chiều dài 20 m. Nghiên cứu công bố hôm 17/5 trên Tạp chí Động vật học suy đoán kích thước tối đa của mực khổng lồ thông qua xem xét một loạt hạng mực dữ liệu cũng như kiểm tra dữ liệu thu thập trực tiếp từ mẫu vật sẵn có.
Cơ sở dữ liệu mà Paxton dùng để phân tích bao gồm 164 số đo chiều dài cơ thể, 39 số đo chiều dài tiêu chuẩn (kết hợp chiều dài cơ thể và cánh tay dài nhất), 47 số đo tổng chiều dài (gồm chiều dài cơ thể và các xúc tu). Xúc tu là các chi của mực, thường có những chiếc răng hoặc móc ở cuối và dài hơn nhiều so với tay mực.
Paxton cũng xem xét 46 trường hợp đo cả mỏ mực cùng với chiều dài cơ thể. Nhà khoa học phát hiện kích thước mỏ có thể giúp dự đoán chiều dài cơ thể, từ đó xác nhận kết quả của các nghiên cứu trước đây. Số liệu thống kê cho thấy loài mực khổng lồ có thể đạt chiều dài cơ thể là 3 m và tổng chiều dài là 20 m.
Xem thêm: Mực khổng lồ dài hai mét bị cắn chết
Phương Hoa