Theo Huffington Post, các nhà thám hiểm Bắc Cực quan sát thấy sự xuất hiện của tuyết màu hồng, hay còn gọi là tuyết dưa hấu, từ nhiều thế kỷ trước. Đây là kết quả của hiện tượng tảo đỏ nở hoa trong nước đông lạnh. Tảo nở hoa là hiện tượng bùng phát số lượng tảo trong nước, khiến hàm lượng oxy trong nước giảm xuống, mặt nước chuyển thành các màu như tím, hồng, xanh hoặc đỏ.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 22/6, các nhà khoa học phát hiện tảo nở hoa khiến băng tan nhanh hơn. Tảo phát triển mạnh hơn do biến đổi khí hậu làm tan băng Bắc Cực thành dạng lỏng, tạo môi trường sống thuận lợi cho chúng.
Sự hiện diện của tảo đỏ làm giảm độ phản xạ của tuyết (albedo), hay khả năng phản chiếu ánh sáng thay vì hấp thụ nó để tạo ra nhiệt. Trong khoảng thời gian 100 ngày, nghiên cứu cho thấy tuyết chứa tảo đỏ có độ phản xạ thấp hơn 13% so với tuyết trắng.
Băng tan là một trong những điều kiện phát triển chính cho tảo sống trên tuyết. Các sự kiện băng tan chảy lớn giống như trong năm 2012 (97% băng trên đảo Greenland tan chảy bề mặt) có khả năng xuất hiện với tần số ngày càng lớn trong tương lai gần do hệ quả của quá trình nóng lên toàn cầu. Bề mặt tuyết chứa tảo đỏ hấp thụ ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn, làm băng tan nhanh hơn.
"Tảo cần nước dạng lỏng để nở hoa. Do đó, sự tan chảy của tuyết và băng trên bề mặt kiểm soát mức độ phong phú của các loài tảo. Băng càng tan nhiều, sẽ có nhiều tảo hơn", Steffi Lutz, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Leeds, Anh, cho biết.
Xem thêm: Cục tuyết nguyên vẹn trong lò luyện thép 2.000 độ
Lê Hùng