Dù có dấu hiệu giảm nhẹ, ảnh hưởng trên diện rộng của El Nino vẫn sẽ kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sắp tới. Điều này có thể mang lại lợi ích cho người dân California, Mỹ, nơi đang tận hưởng những trận mưa do El Nino kéo đến, nhưng sẽ là tin xấu đối với nhiều khu vực đang chịu cảnh hạn hán, cháy rừng, thiếu nước và lương thực như Indonesia.
Đầu năm nay, biến đổi thời tiết liên quan đến hiện tượng El Nino gây ra thiệt hại lên đến hàng tỷ USD, đẩy 100 triệu người vào cảnh thiếu nước và lương thực.
Theo Climate Central, hiện tượng El Nino gây chú ý vì làm dịch chuyển một lượng nước ấm từ phía tây sang khu vực nhiệt đới ở trung tâm và phía đông Thái Bình Dương. Sự dịch chuyển này làm thay đổi nơi lượng nhiệt được hấp thụ vào khí quyển nhiệt đới, gây ảnh hưởng tới các mô hình lưu chuyển không khí. Do hiệu ứng domino, tác động trên một vùng lan rộng ra toàn cầu, biến đổi khí hậu ở những nơi cách xa hàng chục nghìn km.
Hai mô hình luân chuyển không khí chính chịu ảnh hưởng từ El Nino là Walker Circulation và Hadley Circulation. Walker Circulation là mô hình các khối khí lưu chuyển lên xuống giống như một vòng xoáy dựng đứng. Khối khí di chuyển hướng lên tương ứng với những vùng khí hậu nhiều mưa không ổn định, trong khi khối khí hướng xuống tạo ra thời tiết khô ráo và ổn định.
Thông thường, ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương, khối khí hướng lên nằm ở phía tây, nơi nước biển ấm nhất. Dưới tác động dịch chuyển về phía đông của El Nino, cả khối khí hướng lên và hướng xuống đều kéo sang bờ đông, dẫn đến khí hậu ẩm ướt hơn ở những khu vực vốn khô ráo và ngược lại.
Sự thay đổi ở mô hình Walker Circulation khiến một mô hình khác tên Hadley Circulation (vòng lưu chuyển không khí từ bắc xuống nam) biến đổi theo, ảnh hưởng tới vùng gió xoáy cận nhiệt, khu vực không khí di chuyển nhanh kéo theo những cơn bão ở cả Bắc bán cầu và Nam Bán cầu.
Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng El Nino. Sự dịch chuyển của mô hình Walker Circulation có nghĩa khối khí hướng lên và khí hậu mưa nhiều bị kéo sang phía đông, khiến Indonesia trở nên khô hạn suốt phần lớn thời gian trong năm. Hạn hán gây ra tình trạng thiếu nước, mất mùa và gia súc vì cây trồng khô héo. Hậu quả là người dân rơi vào cảnh thiếu thức ăn, giá lương thực tăng và nguy cơ bùng phát cháy rừng lớn.
Năm nay, hạn hán nghiêm trọng cũng xảy ra ở Việt Nam, Thái Lan, Philippines và một số quần đảo thuộc Thái Bình Dương. Đặc biệt tại Việt Nam, hạn hán dẫn đến vấn đề ngập mặn ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong, nơi cư ngụ của 20 triệu người dân và vựa lương thực quan trọng trong nước. Nước Cộng hòa Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia, hai đảo quốc ở Thái Bình Dương, buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thực hiện phân phối và vận chuyển nước từ nơi khác đến.
Phương Hoa