Iceland khởi động dự án khoan sâu Iceland Deep Drilling Project (IDDP) từ hồi tháng 8, với mục tiêu tạo ra lỗ khoan nóng nhất thế giới từ 400 đến 1.000 độ C để khai thác năng lượng địa nhiệt ở Reykjanes, mũi đất phía tây nam đất nước, vào cuối năm nay, theo New Scientist.
Mũi khoan sẽ đâm sâu vào vùng đất liền của Mid-Atlantic Ridge, ranh giới chính giữa các mảng kiến tạo của Trái Đất, theo Albert Albertsson, trợ lý giám đốc tại HS Orka, công ty địa nhiệt Iceland tham gia dự án. "Mọi người thường khoan vào đá cứng nhưng chưa bao giờ khoan xuyên qua hệ thống chất lỏng kiểu này", Albertsson nói.
Ở độ sâu 5 km, dòng magma từ hoạt động núi lửa tiếp xúc và làm nóng nước biển dưới đáy đại dương. Các nhà nghiên cứu nhận định dòng nước nóng dưới chân sống núi chứa nhiều khoáng chất như vàng, bạc và lithium. Áp lực tại đây cũng cao gấp hơn 200 lần so với áp suất không khí. Các công ty thực hiện dự án hy vọng sẽ tìm thấy "hơi nước siêu hạn" chứa nhiệt lượng cao hơn hẳn thông thường, lên tới 427 độ C.
Nếu khai thác thành công nguồn hơi nước trên, dự án có thể sản sinh công suất điện 50 megawatt (MW), đáp ứng như cầu năng lượng của 50.000 hộ dân.
Đây là lỗ khoan sâu thứ hai thuộc dự án IDDP. Lỗ khoan đầu tiên nằm ở trường địa nhiệt Krafla phía đông bắc Iceland đâm trúng dòng magma ở độ sâu hơn hai kilomet năm 2009. Dòng magma nóng chảy được sử dụng để làm nóng nước lạnh dẫn xuống hố để kiểm tra lượng nhiệt sinh ra và tính khả thi của công nghệ. Tuy lỗ khoan Krafla không cung cấp điện cho Iceland và buộc phải đóng cửa một thời gian ngắn sau đó do vấn đề xói mòn, đây là giếng địa nhiệt công suất cao nhất thế giới, sản sinh công suất 30 MW.
Kỹ thuật khai thác năng lượng địa nhiệt ở Iceland có thể áp dụng cho mọi nơi khác. "Những khu vực tiềm năng có nguồn địa nhiệt siêu hạn tồn tại trên khắp thế giới, nơi núi lửa trẻ đang hoạt động", Wilfred Elders, nhà địa chất học ở Đại học California, Riverside, người có thâm niên cộng tác với dự án, cho biết.
Xem thêm: Khai thác năng lượng địa nhiệt của Trái Đất
Phương Hoa