Theo Cơ quan Môi trường Na Uy, hơn 300 con tuần lộc hoang dã bị sét đánh chết ở công viên quốc gia Hardangervidda trong cơn giông bão hôm 26/8. Phần lớn các trường hợp tử vong tập thể do sét đánh đều xảy ra khi dòng điện tiếp đất, John Jensenius, chuyên gia an toàn tại Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết.
"Đầu tiên, tia sét giáng xuống, đánh vào cây hoặc có thể là nền đất xung quanh. Năng lượng sau đó lan truyền trên mặt đất, và nếu bạn ở trong phạm vi gần nơi sét đánh, bạn sẽ bị điện giật", Live Science dẫn lời Jensenius.
Theo Jensenius, dòng điện từ tia sét truyền từ chân này sang chân kia, do đó các loài động vật dễ chịu ảnh hưởng hơn vì chân của chúng tiếp xúc với mặt đất nhiều hơn, khiến dòng điện dễ dàng truyền khắp cơ thể.
Xem đàn tuần lộc bị sét đánh trên đồng cỏ Na Uy
Là động vật sống tập trung theo đàn, tuần lộc thường di chuyển theo nhóm lớn. Kjartan Knutsen, phát ngôn viên của Cơ quan Môi trường Na Uy, nhận định tuần lộc có xu hướng co cụm lại gần nhau trong thời tiết xấu. Điều này có thể giúp lý giải tại sao số lượng tuần lộc chết cùng lúc do sét đánh lại lớn đến vậy.
Các nhà nghiên cứu thu thập mẫu vật từ xác tuần lộc nhằm kiểm tra dấu hiệu mắc bệnh suy mòn mãn tính (CWD), một căn bệnh tấn công hệ thống thần kinh ở họ hươu nai, dẫn đến tổn thương não. Thông thường, cơ quan môi trường sẽ để xác động vật chết phân hủy tại chỗ. Nhưng do lo ngại về sự lan truyền dịch bệnh CWD, các nhà chức trách cho biết họ sẽ đợi kết quả kiểm tra trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Xem thêm: Những biến đổi của cơ thể người sau khi bị sét đánh
Phương Hoa