Tàu New Horizons tại bệ phóng, chuẩn bị rời mặt đất vào 1h24' sáng mai, giờ Hà Nội. (BBC) |
Chiếc New Horizons (Những chân trời mới) sẽ cất cánh từ Mũi Canaveral, bang Florida, trên một tên lửa Atlas5.
Mặt dù là phi thuyền được chế tạo nhanh nhất trong lịch sử vũ trụ, nhưng các chuyên gia vẫn phải mất hơn 9 năm mới hoàn tất. Chiếc tàu nhỏ hoạt động bằng 33 kg nhiên liệu pluton.
Trị giá 700 triệu đôla, chiếc New Horizons sẽ thu thập thông tin về sao Diêm vương và những mặt trăng của nó, trước khi khám phá những vật thể băng phân bố trong vùng có tên gọi Vành đai Kuiper.
Vành đai Kuiper nằm bên ngoài Hải Vương tinh, chứa hàng chục nghìn mẩu băng rải rác trong khoảng không ở vị trí gấp 30-50 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trời. Một số nhà thiên văn còn cho rằng Diêm Vương tinh chẳng phải là một hành tinh gì cả, mà chỉ thuộc nhóm những vật thể băng còn sót lại từ quá trình thành tạo hệ mặt trời này.
Mô hình tàu thăm dò. (BBC) |
Suốt nhiều thập kỷ, trong khi NASA phóng hết tàu thăm dò này đến tàu thăm dò khác để nghiên cứu những hành tinh chị em gần với trái đất, thì Diêm Vương tinh xa xôi vẫn bị bao phủ trong bức màn bí ẩn, với vỏn vẹn vài bức ảnh thiên văn mờ mịt khiến giới khoa học phải băn khoăn.
"Những gì chúng ta biết về Diêm Vương tinh ngày nay chỉ đủ để viết lên lưng một con tem", Colleen Hartman, Phó giám đốc hợp tác về khoa học của NASA, cho biết. "Cuốn sách này sẽ được viết lại sau khi sứ mệnh của phi thuyền mới hoàn tất".
Dự kiến, New Horizons sẽ tới Diêm Vương tinh vào tháng 7 năm 2015, và kéo dài ít nhất đến năm 2018. Nó sẽ bay ngang qua Diêm Vương tinh và mặt trăng lớn nhất Charon trong cùng một ngày. 7 thiết bị trên tàu sẽ thu thập thông tin về bầu khí quyển của hành tinh "Địa ngục" và thực hiện việc chụp ảnh chi tiết về bề mặt của nó cũng như Charon.
Khoảng cách quá xa so với mặt trời không cho phép New Horizons sử dụng các tấm pin mặt trời. Vì thế, để vận hành được các thiết bị điện trên tàu, nó sẽ chuyển nhiệt từ phản ứng phân hủy pluton thành điện năng.
T. An (theo BBC, Discovery)