4 phụ nữ Mỹ đã được cấy ghép tử cung từ người hiến tạng còn sống ở bệnh viện Đại học Baylor tại Dallas, Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành cấy ghép tử cung sống, theo Times.
4 ca phẫu thuật được thực hiện trong khoảng thời gian 14-22/9 và có ba ca thất bại, buộc bác sĩ phải cắt bỏ tử cung cấy ghép sau khi bộ phận mới không tiếp nhận đủ máu. Chỉ có một phụ nữ không có phản ứng đào thải tạng ghép.
"Đây là cách chúng ta tiến bộ, học hỏi từ những sai lầm", bác sĩ phẫu thuật Giuliano Testa, người thực hiện 4 ca cấy ghép chia sẻ. "Tôi không thấy xấu hổ vì là người đầu tiên tiến hành 4 ca phẫu thuật với ba lần thất bại. Nhờ có thất bại mà tôi mới thành công".
Trong 4 trường hợp được cấy ghép này, tất cả đều là những phụ nữ không có tử cung do mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser.
Các bác sĩ lấy tử cung và một phần âm đạo từ người hiến tặng còn sống, sau đó cấy ghép vào hệ thống cung cấp máu của cơ thể người nhận. Bộ phận cấy ghép được gắn dọc theo âm đạo và xương chậu, nhưng không cần phải nối dây thần kinh.
Trong ca phẫu thuật mới nhất, nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp, sau khoảng 6–12 tháng người phụ nữ được ghép tử cung sẽ sẵn sàng để mang thai. Do tử cung cấy ghép không nối với buồng trứng, cô sẽ phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu thụ thai thành công, cô sẽ phải sinh mổ do tử cung cấy ghép rất yếu.
Cho tới nay, Thụy Điển là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện cấy ghép tử cung thành công, với 9 ca phẫu thuật từ người hiến tặng còn sống. Tất cả các trường hợp này sau đó đã sinh con thành công. Các bác sĩ phẫu thuật của Thụy Điển cũng tham gia vào ca cấy ghép tại Mỹ.
Xem thêm: Em bé đầu tiên trên thế giới chào đời từ một cha hai mẹ
Nguyễn Thành Minh