Chân voi là tên gọi của một khối chất thải hạt nhân chứa lượng phóng xạ nhiều nhất và nguy hiểm nhất thế giới, chảy ra sau thảm họa hạt nhân Chernobyl hồi tháng 4/1986. Các nhân viên cứu hộ ở Ukraine tìm thấy khối chất thải dài ba mét tạo thành từ corium, vật chất giống dung nham màu đen, trong một buồng tối bên dưới lò phản ứng số 4 vào tháng 12 cùng năm. Họ nhanh chóng phát hiện vật thể kỳ lạ này rỉ ra từ chính phần lõi bị nứt vỡ của lò phản ứng.
Tên gọi khối chất thải xuất phát từ bề mặt nhăn nheo giống chân voi của nó. Theo các dữ liệu, lượng phóng xạ mà khối chất thải phát ra trong 300 giây đủ để gây chết người. Phóng xạ cực mạnh của Chân voi có thể khiến người tiếp xúc giảm tuổi thọ. Chỉ vài phút tiếp xúc với nó cũng gây chảy máu trong, nôn mửa mất kiểm soát, tiêu chảy và cuối cùng là cái chết đau đớn.
Chân voi cứng và đặc đến mức không thể dùng máy khoan thông thường để xuyên qua nó. Khi các nhà chức trách Nga dùng súng AK-47 để bắn vào khối chất thải, bề mặt của nó chỉ bị xước nhẹ. Mãi tới tháng 6/1998, lớp ngoài cùng của Chân voi mới bắt đầu phân rã thành bụi và khối chất thải xuất hiện vết nứt.
Chỉ có hai bức ảnh của Chân voi được công bố. Do phóng xạ cực mạnh của nó, ngay cả phim máy ảnh cũng bị ảnh hưởng, khiến những bức ảnh bị hỏng và chất lượng ảnh bất thường. Hai nhà nhiếp ảnh cũng trở thành nạn nhân của Chân Voi và qua đời không lâu sau khi bấm máy.
Chân voi đã chảy xuyên qua ít nhất hai mét bê tông trước khi tới vị trí hiện nay. Nhiều người lo ngại nó có thể tiếp tục đâm sâu hơn vào lòng đất và tiếp xúc với mạch nước ngầm, khiến nước uống trong khu vực bị nhiễm phóng xạ, gây bệnh tật và tử vong cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, năm 2016, khối chất thải không di chuyển nhiều so với lúc phát hiện và chỉ hơi ấm hơn một chút so với môi trường xung quanh do nhiệt lượng từ quá trình phân rã phóng xạ đang tiếp diễn. Sự tồn tại của Chân voi sẽ biến thành phố Chernobyl thành nơi không thể sinh sống trong ít nhất 100 năm nữa.
An Khang (Theo Sun)